'Chiến trận' truyền hình trực tuyến sau dịch

Các dịch vụ truyền hình trực tuyến theo nhu cầu và có thu phí đang nhộn nhịp tăng tốc tại Việt Nam, nhất là sau Covid-19.

Video trực tuyến lên ngôi

Như ở các nước khác, tại Việt Nam, mùa dịch là dịp truyền hình "bội thu" về thời lượng khán giả theo dõi, do nhiều người dùng chọn đây là phương thức giải trí hàng đầu lúc hạn chế ra ngoài.

Khảo sát mới công bố của Kantar Việt Nam tại 4 thành phố lớn cho biết, từ cuối tháng 2, mức độ xem TV của người Việt đã tăng lên. Đặc biệt, vào tháng 4 - khi thực hiện giãn cách xã hội, có thời điểm người Việt xem TV gần 290 phút một ngày. Trong khi đó, mức cao nhất của tháng 4 năm ngoái chỉ xấp xỉ hơn 250 phút một ngày.

Số phút xem TV trung bình giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 năm 2019 và 2020. Đồ họa: Kantar

Số phút xem TV trung bình giai đoạn tháng 2 đến tháng 4 năm 2019 và 2020. Đồ họa: Kantar

Tuy nhiên, không chỉ có truyền hình truyền thống, loại hình cung cấp dịch vụ video thụ động, những dịch vụ truyền hình trực tuyến theo nhu cầu cũng hưởng lợi.

Cũng theo số liệu của Kantar, trước khi có ca Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam, người dùng dành trung bình 231 phút mỗi ngày để sử dụng Internet. Sang tháng 2-3, con số này nhảy lên 256, tăng 11%. So sánh trong hai giai đoạn này cho thấy, số phút trung bình mỗi ngày mà người Việt dùng để xem video trực tuyến tăng đến 39%, từ 58 phút trước khi có dịch lên 81 phút trong dịch.

Trong giai đoạn dịch, top 5 mạng xã hội được tăng sử dụng nhất, theo thứ tự gồm: Facebook, Youtube, Facebook Messenger, Instagram và Tiktok. Nhìn vào các "anh tài" này, video trở thành xu hướng chủ đạo. 

Đồ họa: Kantar

Đồ họa: Kantar

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Phát triển kinh doanh Kantar Việt Nam cho rằng, nhân tố đáng lưu ý là sự xuất hiện của Tiktok, một mạng xã hội video ngắn. "Cùng với Instagram, TikTok là mạng xã hội phổ biến xếp sau Facebook, đặc biệt là đối với nhóm người tiêu dùng trẻ", bà Nga nhận xét. 

Trong một công bố gần đây, TikTok cho hay nhà sáng tạo nội dung có biệt danh "Linh Barbie" đã trở thành người đăng tải video đầu tiên tại Việt Nam có 10 triệu người theo dõi với hơn 109 tỷ lượt xem, sau 2 năm "chơi" TikTok. Trong khi đó, nền tảng này mới thiết lập những sự hiện diện đầu tiên tại Việt Nam cuối năm 2017 và chính thức ra mắt vào tháng 4/2019.

Trong Báo cáo tiêu dùng công nghệ Việt Nam (Vietnam Tech Consumer Report 2020) được thực hiện đầu năm khi Covid-19 diễn ra bởi InsightAsia và Vero, nhóm nghiên cứu cho rằng truyền hình truyền thống đang dần bị thay thế bởi các dịch vụ video trực tuyến, thậm chí "ưu thế đang có phần nghiêng về phía Youtube". 

Cuộc chạy đua quyết liệt

Các dịch vụ cung cấp nội dung truyền hình qua Internet (OTT TV) về cơ bản có thể được chia thành 4 loại bao gồm: AVOD - dịch vụ miễn phí và doanh thu dựa trên quảng cáo (như Facebook Watch, Youtube, TikTok); SVOD - dịch vụ trả tiền dựa trên đăng ký thuê bao (như MyK+ NOW, Netflix, HBO GO);  TVOD - dịch vụ trả tiền dựa trên nội dung người dùng xem; EST - trả tiền dựa trên tải xuống (chưa có nhà cung cấp).

Một số nhà cung cấp dịch vụ truyền hình Internet theo nhu cầu khác đang có thị phần lớn như FPT Play, Fim+, Danet... kinh doanh theo hình thức kết hợp AVOD, SVOD và TVOD, tùy đơn vị. Theo Statista, quy mô thị trường OTT TV Việt Nam là 86 triệu USD vào năm 2019 và sẽ tăng với tốc độ 10,39% mỗi năm, lên 141 triệu USD vào năm 2024.

Với lượng người dùng Internet lớn, dân số trẻ và thích xem video, nhất là được kích thích thêm qua mùa dịch, không có lý do gì các OTT đứng yên trong việc tìm cách tăng trưởng người dùng, thậm chí là xuất hiện nền tảng mới.

Hàng chục ứng dụng trong và ngoài nước đang cung cấp dịch vụ xem phim, TV Show và nhiều video chủ đề khác nhau cho người dùng Việt Nam. Ảnh chụp màn hình: Viễn Thông

Hàng chục ứng dụng trong và ngoài nước đang cung cấp dịch vụ xem phim, TV Show và nhiều video chủ đề khác nhau cho người dùng Việt Nam. Ảnh chụp màn hình: Viễn Thông

Ngày 12/6, Đất Việt VAC công bố một "siêu ứng dụng giải trí" tên VieON, sau 4 năm R&D và hợp tác với BCG Digital Ventures. Ứng dụng này cung cấp 100 kênh truyền hình, hơn 100.000 giờ nội dung với nhiều thể loại từ phim truyện, các TV show đến những nội dung độc quyền.

"Trong khi các nền tảng OTT trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người dùng thì nội dung của các nền tảng OTT nước ngoài còn xa lạ và chưa thực sự phù hợp với thị hiếu và văn hoá của người Việt", phía Đất Việt VAC tỏ ý "siêu ứng dụng" này sẽ lấp vào khoảng trống đó.

Tuy nhiên, để thật sự có chỗ đứng, VieON còn phải chơi chung sân với loạt "đại gia" cũng đang rất năng động. Theo khảo sát của Q&Me công bố đầu năm nay, đứng đầu Top 5 dịch vụ video streaming phổ biến nhất Việt Nam là FPT Play, Đứng thứ hai là Netflix.

Mức độ phổ biến của Netflix cũng được Statista xác nhận vị trí hạng nhì. Hãng nghiên cứu này còn cho biết, năm 2020, thể loại được yêu thích nhất trên Netflix của người Việt là phim truyền hình rồi đến thể thao.

Dịch vừa tạm lắng, Netflix cũng nhanh nhẹn đáp ứng thêm khẩu vị này. Trung tuần tháng 5, họ thông báo hợp tác mở rộng kho nội dung phim Việt. Cụ thể, 13 bộ phim từng được công chiếu tại rạp lần lượt ra mắt từ ngày 8/5 đến 19/6, phục vụ riêng cho thị trường Việt Nam.

"Những nội dung được phát sóng lần này góp phần phản ánh sự đa dạng của nền điện ảnh Việt với nhiều thể loại phong phú được khán giả yêu thích như: lãng mạn hài hước, kinh dị và hành động", ông Raphael Phang, phụ trách nội dung khu vực Đông Nam Á của Netflix, cho biết trong dịp công bố.

Ở chiều ngược lại, ý tưởng sản xuất các nội dung độc quyền hay Việt hóa các kịch bản "hot" nước ngoài cũng đang được nhiều đơn vị tích cực áp dụng, dù chưa bàn đến chất lượng và khả năng thành công. Ví dụ như Danet từng chiếu độc quyền Glee Vietnam, Hậu duệ mặt trời Việt Nam. Hay như mới đây, bộ phim cung đấu hiếm hoi của Việt Nam có tên "Phượng Khấu" chỉ chiếu trên nền tảng Pops.

Vẫn 'tranh tối tranh sáng'

Việt Nam được xem là thị trường rộng rãi dư địa cho các OTT TV. Tuy nhiên, người chơi cũng ngày càng đông. Không ít đơn vị khá kín tiếng và có phần "bí ẩn". Năm ngoái, hai ứng dụng OTT xuyên biên giới của Trung Quốc là WeTV và iQIYI đã bắt đầu xuất hiện.

Theo đó, chỉ cần tải ứng dụng về, người Việt có thể tiếp cận một kho phim và TV show khổng lồ, chủ yếu do Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan sản xuất. Một số phim "bom tấn" sẽ yêu cầu người dùng mua các gói VIP để thưởng thức, với mức giá thuê bao thường niên đang thấp hơn Netflix và cho thanh toán bằng tiền Việt.

Để câu kéo người dùng, WeTV sẽ đăng tải một vài tập đầu các bộ phim "hot" trên Youtube. Đơn cử như năm ngoái, nền tảng này đăng tải trọn vẹn 2 tập đầu của bộ phim "gây bão" Trung Quốc là "Trần Tình Lệnh" rồi mời gọi khán giả tải ứng dụng để xem 48 tập còn lại. Hiện nay, kênh WeTV Việt Nam trên Youtube vẫn dùng chiến lược này, với các phim khác.

Theo một người am hiểu trong ngành OTT, thế mạnh của WeTV và iQIYI là hầu hết phim phổ biến, vốn được người Việt yêu thích đều miễn phí, hình ảnh chất lượng cao và có phụ đề tiếng Việt. Do đó, hai nền tảng này thậm chí còn có khả năng áp chế các trang phim lậu, với chất lượng video kém hơn, đầy quảng cáo.

Ngoài phải cạnh tranh lẫn nhau về nội dung, các nền tảng OTT TV đến nay vẫn được cho là tồn tại trong điều kiện "tranh tối tranh sáng". Trong đó, các nền tảng nội địa cho rằng họ bất lợi ngay trên sân nhà.

Trong một bài nghiên cứu đăng tải vào tháng 2, hãng tư vấn B&Company (Nhật Bản) đánh giá, chính phủ vẫn chưa hỗ trợ tốt cho các công ty nội địa. "Trong khi các công ty Việt Nam luôn phải nộp thuế đầy đủ, gần như không thể thu thuế từ các doanh nghiệp OTT nước ngoài với các chính sách thuế hiện hành", đơn vị này đánh giá.

B&Company ví dụ, để đưa một bộ phim nước ngoài vào Việt Nam, các bên trong nước phải nộp đầy đủ 3 loại thuế: thuế bản quyền 10%, thuế giá trị gia tăng 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp trên 20%.

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)