Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng 5 năm qua vẫn đang dang dở giải phóng mặt bằng do chưa thu xếp được vốn đầu tư.
Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư năm 2016. Theo đó, đoạn cao tốc từ huyện Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) dài 43 km, quy mô 4 làn xe được đầu tư bằng vốn vay ODA, với tổng số tiền 8.743 tỷ đồng.
Dự án này được quy hoạch nối thông với cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) để hình thành tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị phục vụ lưu thông hàng hóa qua biên giới Việt Trung và phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đông Bắc.
Đầu 2018, để giảm áp lực nợ công, Chính phủ quyết định chuyển hình thức đầu tư dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng từ nguồn vốn vay ODA sang đầu tư BOT. Đồng thời, Chính phủ bổ sung tuyến đường này vào dự án cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) đang triển khai, với kế hoạch hoàn thành toàn tuyến từ Bắc Giang đến cửa khẩu Hữu Nghị vào năm 2020. Song song đó, dự án được chuyển giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Lạng Sơn.
Cuối 2019, cao tốc Bắc Giang - Chi Lăng (Lạng Sơn) đã hoàn thành song vẫn không nối thông được đến cửa khẩu Hữu Nghị do đoạn còn lại chưa triển khai. Theo ông Hồ Tiến Triệu, Phó chủ tịch tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được 20% đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng rồi phải tạm dừng do chưa thu xếp được nguồn vốn. Khối lượng thi công các hạng mục đào, đắp nền đạt khoảng 50 tỷ đồng.
Ông Phan Văn Thắng, Tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị, cho biết, vướng mắc là tổng vốn đầu tư của dự án quá lớn, ngân hàng khó thu xếp vốn cho vay. Tổng vốn đầu tư xây dựng toàn tuyến với 4 làn xe là 9.200 tỷ đồng (tăng so với tổng vốn 8.743 tỷ đồng năm 2016).
Để giảm tổng vốn đầu tư, tỉnh Lạng Sơn, BIDV và nhà đầu tư đã thống nhất phương án phân kỳ đầu tư. Theo đó, đoạn Chi Lăng đến TP Lạng Sơn dài 27 km được đầu tư 4 làn xe (nền đường 17,5m), còn đoạn TP Lạng Sơn đến cửa khẩu Hữu Nghị dài 15 km được đầu tư quy mô 2 làn xe (nền đường 13,5m).
Với quy mô này, tổng mức đầu tư giảm xuống còn 5.947 tỷ đồng, với 1.600 tỷ đồng vốn của sở hữu doanh nghiệp, 2.347 tỷ đồng vốn ngân sách và nguồn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng. Khi lưu lượng phương tiện sau này tăng cao thì sẽ tiếp tục mở rộng.
Theo ông Phan Văn Thắng, BIDV đã có văn bản cam kết cho vay 2.000 tỷ đồng nếu dự án có vốn ngân sách đầu tư tối thiểu 3.160 tỷ đồng. Trong khi đó, tỉnh Lạng Sơn đã kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng vốn ngân sách 2.160 tỷ đồng, số còn lại sẽ do địa phương tự huy động.
Cuối tháng 5/2020, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục kiến nghị Thủ tướng hỗ trợ dự án khoảng 2.160 tỷ đồng từ vốn ngân sách để chi trả giải phóng mặt bằng, các công trình đường gom, hầm chui dân sinh, cầu vượt.
Trong văn bản trả lời mới nhất đầu tháng 6, Chính phủ đã yêu cầu tỉnh Lạng Sơn làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về khả năng hỗ trợ vốn trung ương cho dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Đồng thời, yêu cầu tỉnh tìm phương án đầu tư tối ưu, đảm bảo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật, tránh lãng phí.
Về phía Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Đối tác công tư cho biết, dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng cần được triển khai nhanh và hiệu quả vì đây là dự án quan trọng, cấp thiết, đã nằm trong quy hoạch mạng lưới cao tốc toàn quốc. Bộ Giao thông Vận tải cũng ủng hộ tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu phân kỳ đầu tư để giảm vốn ngân sách hỗ trợ và dễ huy động vốn tín dụng.
"Tỉnh Lạng Sơn cần rà soát, tính toán phương án đầu tư tối ưu. Nếu phân kỳ đầu tư, tỉnh cần tính đến mở rộng nền đường hoặc gia cố taluy ngay để sau này mở rộng 4 làn thì không cần phải phá dỡ thêm gây lãng phí", ông Nguyễn Viết Huy nói.