Cách xoay xở khi công việc đầu đời không như mong muốn

Không dễ để người mới ra trường có công việc mỹ mãn ngay lập tức, nhất là trong mùa dịch vì họ cần cách thích nghi.

Covid-19 đã khiến một số người mất việc, bị dừng việc hay thu nhập bị ảnh hưởng. Điều này cũng có nghĩa rằng, những sinh viên mới tốt nghiệp sẽ có khả năng chịu cạnh tranh hơn trong một số lĩnh vực ứng tuyển.

Theo chuyên gia Beth Hendler-Grunt, Chủ tịch Next Great Step, một đơn vị hướng nghiệp cho sinh viên và người mới ra trường tại New Jersey (Mỹ), người mới bắt đầu đi làm không nên lý tưởng hóa công việc. Theo bà, bằng cách học hỏi và mài giũa các kỹ năng trong các công việc không hoàn hảo, người mới đi làm có thể tiếp cận được cơ hội tốt hơn.

Allison McLean, Giám đốc dịch vụ nghề nghiệp tại Springboard, nói rằng ngay cả khi thị trường việc làm tốt, cũng chẳng có gì bất thường đối với những sinh viên mới ra trường mà không hạnh phúc với công việc đầu đời. "Có rất nhiều áp lực để tìm được một công việc trong mơ ngay lúc vừa ra trường", bà nói.

Không phải ai cũng có thể vừa tốt nghiệp là tìm được công việc hoàn hảo. Ảnh: Pixabay

Không phải ai cũng có thể vừa tốt nghiệp là tìm được công việc hoàn hảo. Ảnh: Pixabay

Theo các chuyên gia, cách để tối đa hóa tiềm năng của công việc đầu tiên kém hoàn hảo và để nó tạo bệ phóng cho công việc tiếp theo, chính là xác định nguồn gốc sự thất vọng của bạn.

Theo Allison McLean, giá trị mà công việc đầu đời mang lại có thể là giúp bạn nhận ra các kỹ năng và tài năng riêng của mình, cũng như những gì bạn thích và không thích trong môi trường làm việc. Nếu cảm thấy công việc không phù hợp, nên dành ra chút thời gian để xác định lý do trước khi tìm cách thoát khỏi nó.

Hãy tự đánh giá đó có phải là lĩnh vực, công việc, ông chủ và đồng nghiệp phù hợp với bạn không. Vị chuyên gia nói rằng, với một số người, câu trả lời là một môi trường khủng khiếp nhưng với số khác có thể ngược lại.

Tập trung gặt hái các kỹ năng

Hầu hết công việc đều tạo ra cơ hội học tập, cho dù nó không phải là công việc đáng mong đợi. "Tôi khuyến khích mọi người hãy nhìn những công việc theo kiểu: Tôi có thể học được những gì ở đây?", Beth Hendler-Grunt, nói.

Điều quan trọng là chứng minh được cho nhà tuyển dụng tiếp theo về những gì bạn đã học được trong công việc đầu tiên, đặc biệt là các kỹ năng như viết xuất sắc, khả năng giao tiếp rõ ràng và chính xác. Theo vị chuyên gia, hãy tập trung vào những điều gì mới có thể nhận được và mang chúng đi nơi khác, gia tăng giá trị cho mọi người.

Kết nối nội bộ lẫn bên ngoài

Kết nối luôn là chìa khóa thành công nhất quán, cho công việc đầu đời lẫn các công việc tiếp theo. Bà Hendler-Grunt khuyên những người mới đi làm nhưng đang không vui hãy nhìn ai đang ngồi xung quanh trong văn phòng. Hãy mời họ ăn trưa hoặc cà phê, sẵn lòng nếu họ cần giúp đỡ. Hãy nghĩ những việc đó chính là cách để bạn học hỏi và làm cho thời gian làm việc tại đó có giá trị hơn.

Vị chuyên gia cũng đề nghị các sinh viên mới tốt nghiệp nên mở rộng mối quan hệ bằng cách tiếp cận với các nhóm cựu sinh viên. "Nộp 200 đơn ứng tuyển trực tuyến sẽ không giúp bạn được tuyển dụng, 80% công việc được tìm thấy bởi người giới thiệu", bà nói.

Đừng mặc định nhanh công việc không hợp

Theo bà McLean, có thể mất vài tháng để bạn điều chỉnh và thích nghi với một công việc. Trong đó, sự kiên nhẫn chính là chìa khóa để xác định liệu một công việc có thật sự dành cho bạn hay không.

"Bạn sẽ không yêu tất cả mọi thứ, nhưng bạn muốn có một mức độ hài lòng tổng thể", vị chuyên gia nói, "Miễn là nó không phải là một môi trường độc hại, nó sẽ có giá trị trong vòng 9 đến 12 tháng. Rất dễ để cảm thấy không thích vài tuần hoặc tháng đầu tiên, nhưng hãy cho mình một chút thời gian để đánh giá tình hình".

Phiên An (theo WSJ)

Let's block ads! (Why?)