Giai đoạn 2012-2017, lợi nhuận Agribank chỉ tương đương một ngân hàng tầm trung, nhưng chỉ hai năm sau đó, ngân hàng này vươn lên top 2 toàn ngành.
Càng gần thời điểm cổ phần hóa, bức tranh hoạt động của Agribank càng được thể hiện rõ nét hơn khi những báo cáo chi tiết về nhà băng này được công bố đầy đủ. Khác với hình ảnh giai đoạn 2012-2013, Agribank trong năm gần nhất lãi đứng thứ hai hệ thống, với tỷ lệ nợ xấu thậm chí còn trong nhóm tích cực nhất. Phía sau "cuộc chạy đua nước rút" này là những con số gây bất ngờ về quy mô hoạt động.
Năm 2019, Agribank lãi trước thuế hơn 14.000 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2018. Con số này khiến bảng xếp hạng lợi nhuận toàn ngành bị xáo trộn khi ngân hàng đứng thứ hai là Techcombank ghi nhận lãi hơn 12.800 tỷ đồng.
Kết quả này chỉ thấp hơn Vietcombank nhưng cao hơn hai nhà băng quốc doanh khác là VietinBank (lãi 11.781 tỷ đồng) và BIDV (10.732 tỷ đồng). Nếu xét về tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2019, Agribank thậm chí vượt qua những ngân hàng tư nhân "đi nhanh" như VPBank hay Techcombank.
Không do một chỉ tiêu nào tăng đột biến, kết quả của Agribank chỉ đơn thuần là "số lượng bù chất lượng", phản ánh những đặc điểm riêng trong mô hình và phân khúc hoạt động ngân hàng này.
Với mạng lưới lớn nhất trong ngành, Agribank là ngân hàng có thu nhập từ lãi cao nhất hệ thống. Năm 2019, chỉ tiêu này đạt hơn 106.000 tỷ đồng, so với quy mô 100.000 tỷ của BIDV, 82.700 tỷ của VietinBank và 67.700 tỷ đồng của Vietcombank. Thu nhập lãi thuần, vì thế, là "nồi cơm" chính của Agribank và cũng tạo khoảng cách so với phần còn lại, cao hơn khoảng 20% so với trung bình ba nhà băng quốc doanh.
Tuy nhiên, mạng lưới lớn đi kèm với chi phí hoạt động cho bộ máy lớn. Chưa kể, gần như toàn bộ doanh thu của Agribank đến từ hoạt động cho vay nên chi phí dự phòng hàng năm cho nợ xấu cao.
Hai năm 2018 và 2019, chi phí hoạt động của Agribank vượt trên 24.000 tỷ đồng, trong khi những nhà băng quốc doanh khác chỉ khoảng 15.000-17.000 tỷ. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong hai năm này cũng đạt trên 20.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong hệ thống, thậm chí vượt xa những nhà băng hoạt động trong các phân khúc rủi ro cao như VPBank.
Dù vậy, do tỷ trọng và quy mô lớn, chỉ cần một sự thay đổi nhỏ trong ba chỉ tiêu này cũng tạo chuyển biến nhanh cho lợi nhuận ngân hàng.
Như giai đoạn 2012 - 2017, quy mô lợi nhuận của Agribank giữ cách biệt lớn so với những ngân hàng quốc doanh khác và chỉ tương đương một nhà băng tầm trung trong hệ thống. Nhưng năm 2019, lợi nhuận Agribank đã tăng đột biến do chi phí hoạt động và dự phòng rủi ro không tăng cùng chiều với doanh thu. Kết quả này một phần do ngân hàng đã xử lý xong toàn bộ nợ xấu bán cho VAMC.
Con số trích lập dự phòng cao là một điểm còn lo ngại về cấu trúc hoạt động, nhưng xét về khía cạnh quản trị rủi ro, lại là điểm tích cực. Tỷ lệ nợ xấu trong hai năm gần nhất của Agribank giảm xuống chỉ còn quanh ngưỡng 1,6%, so với con số hơn 7,5% cách đây 6 năm. Thời điểm 2013, Agribank là ngân hàng nợ xấu cao nhất hệ thống dù đã bán nợ cho VAMC hàng nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra chỉ tiêu này cũng là một "khoản để dành" cho ngân hàng. Hai năm 2018 và 2019, Agribank ghi nhận phần thu nhập khác lần lượt là 8.000 tỷ và 11.000 tỷ đồng, đứng thứ hai trong cơ cấu doanh thu hoạt động chỉ sau thu nhập từ lãi. Khoản này ghi nhận khi ngân hàng thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Những chuyển biến nhanh, thậm chí có thể xem là thần kỳ của Agribank, mang lại những sắc thái tích cực cho hình ảnh ngân hàng khi thời điểm cổ phần hóa đang đến gần. Nhà băng này nằm trong số 93 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa trước thời điểm 2021. Chỉ còn nửa năm, nhưng bức tranh lợi nhuận và nợ xấu sáng hơn cũng là động lực đẩy nhanh quá trình này. Con số tích cực còn là cơ sở để Agribank có thể tìm được những đối tác chiến lược sau cổ phần hóa.
Trong báo cáo đầu năm 2019, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cho rằng Agribank đã tích cực xử lý tài sản có vấn đề trong 5 năm qua, với nhiều tiến bộ quan trọng trong 6 tháng cuối năm 2018. Huy động vốn và thanh khoản của ngân hàng cũng được đánh giá ở mức tốt, chủ yếu do khách hàng cá nhân - phân khúc ít bị ảnh hưởng bởi biến động thị trường.
Đến cuối năm 2019, tiền gửi của khách hàng tại Agribank đạt gần 1,27 triệu tỷ, trong khi cho vay khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, quy mô tương đương và cao hơn so với BIDV.
Tuy nhiên, việc lấy "số lượng bù chất lượng" cũng không hoàn toàn là một điểm sáng. Cấu trúc cho cho vay của Agribank đang lệch hẳn về hộ kinh doanh cá thể, với tỷ trọng gần 70% tổng dư nợ, tương đương khoảng 780.000 tỷ đồng. Tỷ lệ này cách biệt lớn so với những nhà băng khác như Vietcombank (khoảng 43%) hay VietinBank (29%).
Việc đánh mạnh vào một phân khúc, một phần do đặc thù về hoạt động và mạng lưới của Agribank nhưng nhóm khách hàng này cũng đặc biệt nhạy cảm với những biến động nhanh của nền kinh tế. Như trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp đầu năm nay, phân khúc hộ kinh doanh cá thể được xem là một trong những bộ phận chịu tác động mạnh nhất. Với Agribank, hạn chế này tạo ra những rủi ro tiềm tàng về cấu phần doanh thu và nợ xấu.
Bên cạnh đó, nếu so với nhóm ba nhà băng quốc doanh, một điểm trừ khác trong hoạt động là tốc độ tăng vốn điều lệ của Agribank quá chậm. Trong giai đoạn 2012-2019, vốn điều lệ của Agribank chỉ tăng 15% từ 26.000 tỷ lên hơn 30.000 tỷ đồng, trong khi quy mô tài sản đã tăng hơn gấp đôi từ 620.000 tỷ lên 1,4 triệu tỷ đồng.
Quốc hội trong phiên thảo luận chiều 10/6 bằng ngân sách dù một số đại biểu thể hiện lo ngại và lưu ý về khả năng tạo tiền lệ với các nhà băng khác. Tuy nhiên, dù có con số này, quy mô vốn của Agribank vẫn thấp hơn đáng kể so với ba ngân hàng quốc doanh khác.
Minh Sơn