8.800 khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6

Tháng 6 là tháng có lượng khách quốc tế đến thấp nhất trong 4 năm qua, do Việt Nam vẫn chưa mở cửa trở lại.

Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2020 ước tính đạt 8.800 lượt người, giảm 61,3% so với tháng trước và giảm 99,3% so với cùng kỳ năm trước. Lượng khách này chủ yếu là các chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài đến làm việc tại các dự án ở Việt Nam.

6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, gần bằng cùng kỳ so với năm 2015. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 6 năm qua. Ảnh: Nguyễn Nam.

6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đón khoảng 3,7 triệu lượt khách quốc tế, gần bằng cùng kỳ so với năm 2015. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 6 năm qua. Ảnh: Nguyễn Nam.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt 234,7 nghìn tỷ đồng, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu lữ hành chỉ đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 6 năm qua.

Sở dĩ doanh thu dịch vụ du lịch giảm 18,2% là do hoạt động du lịch trong nước bắt ấm dần lên hậu giãn cách xã hội. Nhiều điểm tham quan như Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Lạt, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phú Quốc... đón lượng khách đông đúc vào cuối tuần.

Tổng cục Du lịch (TCDL) dự báo, năm 2020 khách du lịch nội địa đạt khoảng 60 đến 65 triệu lượt, giảm khoảng 30 - 24% so với cùng kỳ năm 2019 (85 triệu lượt). Khách quốc tế, nếu nước ta có thể đón vào đầu quý III/2020, sẽ đạt khoảng 6 - 8 triệu lượt; hoặc đạt khoảng 4,5 - 5 triệu lượt nếu đón vào đầu quý IV/2020.

Ông Vũ Quý Phương, Vụ trưởng vụ Lữ hành, TCDL, nhận địnhh chỉ những đơn vị lữ hành làm du lịch nội địa mới hoạt động: "Các công ty chuyên đón khách quốc tế vào Việt Nam hoặc đưa người Việt đi du lịch nước ngoài vẫn... đứng im". Theo ông, nhiều doanh nghiệp chỉ bố trí khoảng 40% nhân sự làm việc, số nhân viên còn lại được nghỉ không hưởng lương hoặc giảm đến 80% lương.

Theo chuyên gia du lịch Lã Quốc Khánh, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến khó lường. Trong khi đó, vẫn chưa có vaccine Covid-19 nên nhiều khả năng, lượng khách quốc tế tới Việt Nam năm 2020 chỉ có 3,7 triệu lượt từ quý I.

Ông Khánh cho rằng, hiện nay du lịch nội địa đang là cứu cánh của Việt Nam. Tuy nhiên, đa phần là khách đi du lịch dạng tự túc với thời gian ngắn ngày. "Ngay cả như hoạt động du lịch nội địa đã phục hồi trở lại như trước thì công suất phòng khách sạn trên cả nước cũng không lấp đầy hoàn toàn", ông Khánh nói.

Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Vietravel, cho biết: "Dù thị trường có ấm lên, doanh thu cũng không nhiều vì chúng ta đang thực hiện chiến dịch Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam với các chương trình ưu đãi, giảm giá để kích cầu du khách".

Trong thời điểm không có khách quốc tế, du lịch nội địa đang là cứu cánh cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, xu hướng của khách thường chọn những đường tour ngắn ngày, tự đặt dịch vụ hoặc mua tour free & easy. Vì thế, doanh thu từ hoạt động lữ hành cũng không nhiều. Trong ảnh, du khách chụp hình lưu niệm tại biểu tượng trên núi Bà Đen, Tây Ninh. Ảnh: Nguyễn Nam.

Khách tập trung đông đúc ở chợ đêm Phú Quốc. Ảnh: Nguyễn Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Images Travel đánh giá, khi ổ dịch mới bùng phát ở Bắc Kinh vừa qua, các nước sẽ không dám liều lĩnh đón khách quốc tế - thị trường khách quốc tế trong 6 tháng cuối năm gần như "đóng băng".

"Du lịch inbound là ngành kinh tế tổng hợp với thế mạnh là xuất khẩu tại chỗ. Khách quốc tế không đến còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến dịch vụ vận chuyển và lưu trú cao cấp ở các thành phố lớn", ông Toản khẳng định.

Nhiều doanh nghiệp du lịch chuyên đón khách quốc tế như công ty ông phải chuyển sang khai thác thêm thị trường nội địa với hy vọng "chia nhau bát cháo" trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, khách du lịch trong nước có xu hướng tìm mua tour giá rẻ nên hầu hết doanh nghiệp bán tour không có lợi nhuận. Đây cũng là một trong những lý do nhiều doanh nghiệp Việt không mặn mà với thị trường nội địa suốt thời gian qua.

Tính đến tháng 6/2020, có 137 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin trả giấy phép, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ, theo TCDL. Đáng chú ý, có tới 95 - 98% các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế trên cả nước đã dừng hoạt động từ quý II/2020.

Nguyễn Nam

Xem thêm

Let's block ads! (Why?)