Lãnh đạo ACB cho biết đã trích lập toàn bộ khoản nợ 806 tỷ liên quan đến 6 công ty mà ông Nguyễn Đức Kiên từng làm Chủ tịch hoặc Thành viên HĐQT.
Trả lời chất vấn của cổ đông tại phiên họp thường niên sáng 16/6, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, có mối quan hệ đặc biệt với ngân hàng trong giai đoạn 2012 thông qua ông Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) còn dư nợ gốc 806 tỷ đồng và nợ lãi khoảng 1.000 tỷ đồng. Khoản nợ này bao gồm trái phiếu, nợ vay và khoản phải thu. Giá trị đảm bảo cho toàn bộ khoản nợ gốc xấp xỉ 2.000 tỷ đồng.
So với thời điểm mới phát sinh, dư nợ của nhóm công ty này đã giảm hơn 8.500 tỷ đồng. Cách đây hai năm, ngân hàng cũng không còn ghi nhận khoản mục "Dư nợ nhóm sáu công ty" trên báo cáo tài chính.
"Nỗ lực của ban điều hành với việc xử lý nợ 6 công ty này rất tích cực. Ngân hàng đã trích lập dự phòng toàn bộ 806 tỷ đồng nên giờ thu hồi được bao nhiêu, lợi nhuận tăng bấy nhiêu", ông Toàn nói.
Xem thêm:
Những tài sản có tính thanh khoản cao đã được ngân hàng bán trước. Trong khi đó, những tài sản khó thanh lý thì cần thêm thời gian để "mông má" và tìm bên mua. Quá trình xử lý nợ cũng phát sinh nhiều vấn đề, trong đó có việc các bên liên quan không hợp tác nên ông Toàn kỳ vọng giải quyết dứt điểm khoản nợ này trong hai năm tới.
ACB đặt mục tiêu năm nay lợi nhuận trước thuế khoản 7.636 tỷ đồng, tăng khoảng 1,5% so với thực hiện năm trước. Tổng tài sản và tiền gửi khách hàng tăng 12%.
Lý giải về nhịp độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, ông Toàn cho biết, khi Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư cho phép các nhà băng được nắm quyền tự quyết tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ACB cũng thống nhất "hi sinh" thu nhập từ hoạt động cho vay. Biên sinh lời cho vay năm nay dự kiến có thể giảm tối đa 50 điểm, tức chỉ còn 2,9% và là mức thấp nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.
"Chúng tôi cho rằng, lợi nhuận có thể cao thấp theo từng năm nhưng quan trọng nhất là phải bền. Ngân hàng mạnh hay yếu, bền vững hay không là nhờ khách hàng nên đây là một biện pháp để giữ mối quan hệ dài hơi", ông Toàn nói. Đồng thời ông cho biết thêm, tổng quy mô dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không quá 15.000 tỷ đồng.
Hạn mức tăng trưởng tín dụng của ACB năm nay là 11,75%, nhưng đến nay ngân hàng mới tăng 4%. Con số này thấp hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước, điển hình như năm ngoái là 8% và 2018 là 10%.
Ban lãnh đạo ACB cho rằng, để nhìn rõ nét hơn về bức tranh tác động của dịch bệnh đến ngành ngân hàng phải chờ sau quý III năm nay. Trước mắt, ACB đặt ra các chỉ tiêu theo kịch bản bi quan nhất. Mục tiêu tỷ lệ nợ xấu năm nay dưới 2%, nhưng thực tế nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đều đang dưới 0,6% và trong tình huống xấu thì vẫn ở mức cho phép. "Chúng tôi kỳ vọng cuối năm nay nợ xấu sẽ duy trì dưới 1%", ông Toàn nói.
Để sẵn sàng cho các kế hoạch khôi phục kinh doanh sau dịch, ông Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB cho hay, ngân hàng sẽ tập trung vào hai điểm chính. Thứ nhất là đẩy nhanh quá trình tăng trưởng trên phạm vi toàn quốc thông qua hoạt động thu phí dịch vụ, tiền gửi không kỳ hạn. Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục quản lý rủi ro, duy trì chất lượng tài sản để không ảnh hưởng đến khả năng sinh lời những năm sau.
ACB cũng thông qua phương án tăng vốn từ cổ tức với tỷ lệ 30%, nâng vốn điều lệ thực góp sau phát hành lên 21.615 tỷ đồng. Ngân hàng cũng xin ý kiến cổ đông việc phát hành trái phiếu quốc tế trung - dài hạn nhằm đa dạng kênh huy động và hạn chế phụ thuộc nguồn vốn ngoại tệ trong nước. Ngân hàng dự kiến chuyển cổ phiếu niêm yết từ sàn Hà Nội vào TP HCM trong năm nay.
Phương Đông