Ông Trần Đình Thiên: 'Nên cứu doanh nghiệp lớn'

Nếu chọn cứu doanh nghiệp nhỏ & vừa hay doanh nghiệp lớn, ông Trần Đình Thiên nói nên tập trung vào những trụ cột để nền kinh tế sang thể trạng mới. 

Tại buổi hội thảo để kinh tế phát triển sau đại dịch ngày 15/5, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, nói rằng sức bật của nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào khả năng "đứng dậy" của bộ phận doanh nghiệp, nhưng có thể không phải là tất cả doanh nghiệp.

96% số doanh nghiệp hiện tại là nhỏ và siêu nhỏ, không có tính kết nối chuỗi. Cấu trúc kinh tế này, theo ông Thiên, khiến Việt Nam khó phục hồi, khó đạt được trạng thái "bình thường mới".

"Với nguồn lực có hạn của nền kinh tế phải lựa chọn phân bổ sao cho hợp lý. Trong bối cảnh hiện nay, câu hỏi đặt ra là chúng ta nên cứu nhóm doanh nghiệp nào, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn hay cứu bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ", TS Thiên đặt câu hỏi.

Theo ông, việc hỗ trợ nên tập trung những doanh nghiệp tạo ra hiệu quả và mang tính trụ cột của nền kinh tế. Đại dịch có thể là cơ hội để nền kinh tế thay đổi, bước sang một trạng thái mới, với một thể trạng mới.

Ông Trần Đình Thiên tại buổi sinh hoạt chuyên đề sáng 15/5 của CLB Cafe Số. Ảnh: Minh Sơn.

Ông Trần Đình Thiên tại buổi sinh hoạt chuyên đề sáng 15/5 của CLB Cafe Số. Ảnh: Minh Sơn.

"Hãy xem đây là cơ hội thay máu kinh tế. Chúng ta nên giành nguồn lực thỏa đáng cho bộ phận mang lại hiệu quả", nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nhận xét. Đồng thời ông nói thêm, một phần nguồn lực cũng nên sử dụng để khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra một bộ phận doanh nghiệp mới.

Với những doanh nghiệp nhỏ, ông Thiên cho rằng đặc tính của bộ phận này là sự linh hoạt. Mặc dù số lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ dừng hoạt động lớn, nhưng nhóm này thực tế là "không chết hẳn" mà có thể chuyển sang một dạng mới, thích nghi với sự biến động. 

Nói về trạng thái "bình thường mới" của nền kinh tế cũng như toàn cầu, ông Thiên cho rằng Covid-19 chỉ là yếu tố kích thích sự thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị trở nên nhanh và khốc liệt hơn. Với Việt Nam, việc nhìn ra những sự thay đổi này sẽ là "cơ", còn ngược lại là "nguy". Chuyên gia này lo ngại nếu sử dụng tư duy cũ theo kiểu nhặt nhạnh, không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam có thể bỏ lỡ những cơ hội lớn.

Lấy ví dụ về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam đã trải qua ba năm liên tiếp tăng trưởng tốt, trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ngoại trong bối cảnh cuộc chiến thương mại leo thang. Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng sự chuyển động gần đây đang bộc lộ nhiều "nguy" hơn là "cơ". 

Năm 2019, số lượng dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng nhanh nhưng tổng số vốn đăng ký đầu tư mới lại giảm. Điều này cho thấy dòng vốn dịch chuyển là từ Trung Quốc sang Việt Nam nhằm tránh ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nhưng các dự án này đa phần có quy mô nhỏ, sử dụng công nghệ thấp, và tạo áp lực cạnh tranh đối với chính các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. 

Có một thực tế là Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ rất lớn nhưng cũng thâm hụt thương mại từ Trung Quốc khá cao. Ông Thiên đặt câu hỏi: "Liệu Việt Nam có trở thành điểm trung chuyển, là cửu vạn cho những dòng chảy thương mại nhằm né thuế". Do đó, theo ông Thiên, điều quan trọng là cần những chính sách đón đầu nhưng phải chọn lọc kỹ lưỡng. 

Minh Sơn

Let's block ads! (Why?)