Nhóm du khách nhỏ 'lên ngôi' dịp lễ

Nhiều điểm đến du khách tăng đột biến, chủ yếu đi theo nhóm nhỏ, nhưng có nơi vắng hoàn toàn.

Theo Phòng Văn hóa Du lịch Sa Pa, lượng khách tới địa phương này trong 4 ngày nghỉ lễ tăng 160% so với dự kiến ban đầu, đạt 12.800 lượt, bằng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách đến từ Hà Nội và các địa phương phía Bắc, chủ yếu đi theo dạng tự túc, sử dụng phương tiện cá nhân. Năm nay, lượng khách đi Fansipan khá đông; tiếp đến là thị trấn Cát Cát, núi Hàm Rồng, thác Bạc. "Các điểm du lịch cộng đồng có lượng khách tham quan ít do thời điểm này không còn khách quốc tế", đại diện Phòng Văn hóa Du lịch Sa Pa nói.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty du lịch Tây Bắc cho biết, tại bãi đỗ xe của các điểm tham quan như Pác Pó, thác Bản Giốc - Cao Bằng, có rất nhiều xe ô tô loại 4 và 7 chỗ biển kiểm soát Hà Nội. Ở các điểm tham quan, du khách cũng khá chủ quan khi không thực hiện việc đeo khẩu trang theo quy định của Bộ Y tế. "Năm nay, đa phần khách tự đi. Dịp lễ này, số lượng khách mua tour qua công ty du lịch chúng tôi chỉ có 15 khách, đạt 1/10 so với năm ngoái", ông Tùng nói.

Dịp Lễ năm nay, khách du lịch đa số đi dạng tự túc, sử dụng phương tiện cá nhân. Nhiều điểm tham quan, du khách không chấp hành việc đeo khẩu trang y tế theo quy định. Trong ảnh: Khách tham quan và chụp hình tại thác Bản Giốc. Ảnh: N. V. T

Nhiều điểm tham quan, du khách không chấp hành việc đeo khẩu trang y tế theo quy định. Trong ảnh, khách tham quan và chụp hình tại thác Bản Giốc. Ảnh: N. V. T

UBND tỉnh Quảng Ninh đã cho phép hoạt động du lịch trở lại các hoạt động như tham quan trên vịnh Hạ Long, Khu di tích - danh thắng Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh, Thư viện tỉnh, Khu du lịch Quốc gia Trà Cổ - Móng Cái...

"Lượng khách tới Quảng Ninh trong mấy ngày qua chỉ đạt khoảng 5 – 10% so với dịp lễ năm ngoái. Nguyên nhân một phần do trưa 1/5, địa phương mới cho phép du lịch hoạt động trở lại. Khách mua tour từ các đơn vị lữ hành gần như không có. Trong khi, tại bãi biển, chủ yếu người dân địa phương tắm", bà Nguyễn Thị Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói và cho biết thêm, khách chủ yếu đến từ Hà Nội và tỉnh lân cận, đi theo nhóm nhỏ gia đình.

Tại Quảng Bình, lượng khách tham quan Phong Nha khá đông. Ông Nguyễn Châu Á, giám đốc Chày Lập Farmstay & Resort cho biết, trong 2 ngày 30/4 và 1/5, cơ sở của ông đã đón đầy 41 phòng. Các ngày tiếp theo, lượng khách đạt 50% công suất phòng và chủ yếu đến từ các địa phương lân cận, di chuyển bằng phương tiện cá nhân theo từng nhóm nhỏ.

Trong 3 ngày (30/4; 1- 2/5), lượng khách đến Thừa Thiên Huế ước tính khoảng 12.500 lượt. Trong đó, lưu trú 3.600 lượt, chủ yếu khách từ Đà Nẵng, Hà Nội và một số tỉnh bắc miền Trung, đi theo dạng tự túc nhóm gia đình, tự lái xe.

"Khách ít lưu trú tại trung tâm TP Huế và có xu hướng ở nơi không gian rộng, cảnh quan thiên nhiên. Khách nội tỉnh, ngoài xu hướng quay lại các điểm di tích do đang có chính sách mở cửa miễn vé, cũng đến các khu du lịch sinh thái như Eco Yeshue Thác Mơ, Bạch Mã Village...", ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, nói. Ông cho biết thêm, khách đang bước đầu quay lại nhưng chưa thể có đột biến vì tâm lý còn e ngại, chỉ đi theo nhóm nhỏ gia đình và địa phương vẫn yêu cầu các điểm đến, cơ sở lưu trú nghiêm túc chấp hành các quy định giãn cách theo bộ tiêu chí an toàn trong hoạt động du lịch.

Tại Đà Nẵng, lượng du khách cũng không nhiều. Theo dự đoán của Sở Du lịch, tổng lượng khách tham quan, du lịch giảm 98,5% so với cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, Sở Du lịch Đà Nẵng cũng chỉ đạo các bộ phận liên quan thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch tại các bãi biển du lịch và bán đảo Sơn Trà.

"Thường xuyên bố trí cán bộ trực tại các bãi tắm công cộng, các chốt kiểm soát tại bán đảo Sơn Trà để đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách", đại diện Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết.

Khách du lịch không tìm đến TP Nha Trang, khiến nơi đây trở nên vắng vẻ trong dịp lễ. Các tuyến đường ở khu phố Tây như Nguyễn Thị Minh Khai, Hùng Vương, Nguyễn Thiện Thuật, Trần Quang Khải vốn đông đúc, nay vắng khách.

Bãi biển Nha Trang hoàn toàn vắng bóng du khách trong ngày nghỉ lễ. Ảnh: Xuân Ngọc.

Bãi biển Nha Trang hoàn toàn vắng bóng du khách trong ngày nghỉ lễ. Ảnh: Xuân Ngọc.

Chị Phạm Thị Tường Vy, 36 tuổi, bảo chưa thấy lần nào ngành du lịch gặp khó khăn như hiện nay. Quản lý khách sạn 8 tầng với 15 phòng, cách biển Trần Phú khoảng 100 m, khách sạn chị lúc nào cũng kín phòng nhưng "dịp lễ này chỉ có khoảng 6 phòng, chủ yếu người quen đặt", chị Vy nói.

Khách sạn cao 42 tầng đường Phạm Văn Đồng có 625 phòng, hoạt động trở lại từ hôm 28/4 sau khi địa phương nới giãn cách xã hội. Giám đốc khách sạn cho hay, dịp lễ chỉ có khoảng 50 phòng được đặt, chủ yếu qua các ứng dụng trên mạng. Còn trước đây, khách sạn gần như kín phòng.

Thống kê từ Sở Du lịch, trong các ngày lễ đón hơn 2.700 lượt khách, chủ yếu khách trong nước. Trong khi dịp lễ 30/4-1/5 của năm 2019, địa phương đón 149.000 lượt khách.

"Tuy nhiên, lượng khách du lịch lại đổ về khu Dốc Lết và Bãi Dài (Cam Ranh) khá đông. Các cơ sở lưu trú ở Cam Ranh gần như lấp đầy phòng", ông Lê Văn Sơn, Chi hội trưởng chi hội Khách sạn Nha Trang, Khánh Hòa, nói. Từ 4/5, người dân và du khách được phép tắm biển theo chỉ đạo mới nhất của UBND tỉnh Khánh Hòa.

Theo Sở VHTTDL Lâm Đồng, lượng du khách dịp lễ năm nay đến Đà Lạt khoảng 55.000 lượt, giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 800 lượt khách, giảm 87,7%; khách nội địa ước đạt 54.200 lượt khách, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2019. 

Khách lưu trú ước đạt khoảng 50.000 lượt khách, giảm 52,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách ở tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tập trung đông vào ngày 30/4 - 2/5. Công suất phòng bình quân đạt khoảng 50%; các khách sạn từ 3-5 sao đạt khoảng 65% . Đặc biệt trong những ngày này một số khách sạn đạt công suất 90% - 95% như Terracotta, Colline, Đà Lạt Wonder; Kỳ Hòa.

Dịp lễ năm nay chứng kiến sự thay đổi trong lựa chọn phương thức du lịch của du khách, khi phần lớn đi chơi theo nhóm nhỏ gia đình, thay vì mua tour trọn gói. Trong ảnh, du khách tập trung ở phố đi bộ Hòa Bình, Đà Lạt, trong dịp lễ vừa qua. Ảnh: Khánh Hương.

Dịp lễ năm nay chứng kiến sự thay đổi trong lựa chọn phương thức du lịch của du khách, khi phần lớn đi chơi theo nhóm nhỏ gia đình, thay vì mua tour trọn gói. Trong ảnh, du khách tập trung ở phố đi bộ Hòa Bình, Đà Lạt, trong dịp lễ vừa qua. Ảnh: Khánh Hương.

Trong khi đó, đại diện Sở VHTTDL Gia Lai, Bình Phước và cả Bình Dương cho biết, dịp Lễ năm nay, lượng du khách tới địa phương này gần như không có. Chủ yếu là người dân địa phương đi làm ở TP HCM, tranh thủ thời gian nghỉ lễ nên về nhà.

Theo thông tin từ Phòng quản lý du lịch (Sở VHTTDL) Bình Thuận, trong 4 ngày nghỉ Lễ, địa phương này đón khoảng 35.000 lượt khách, chủ yếu khách nội địa. Trong đó, cơ sở lưu trú xếp hạng từ 1 – 5 sao đạt công suất phòng bình quân 40 – 50%, riêng các ngày 30/4 và 1/5 có thể đạt từ 70 – 75%.

Dịp lễ năm nay, lượng khách từ các tỉnh TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai... dồn về khu vực Long Hải, Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu khá nhiều và đi theo nhóm nhỏ, gia đình. "Địa phương vẫn chưa cho phép hoạt động tắm biển nên dịp lễ này, chúng tôi phải sử dụng toàn bộ lực lượng ra bãi biển để tuyên truyền, yêu cầu, nhắc nhở du khách", bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nói.

Dịp lễ này, lượng du khách từ các địa phương khác tới TP HCM cũng không nhiều. Các khu vui chơi giải trí như Đầm Sen, Suối Tiên vẫn đóng cửa, chưa hoạt động trở lại. Nhiều đoàn khách trong nước và một số khách Tây xếp hàng mua vé vào Dinh Độc Lập trong 30/4. Các bảo tàng trong thành phố cũng lác đác du khách trong nước.

Tại Tiền Giang, các hoạt động liên quan tới du lịch như điểm tham quan, khu du lịch, lữ hành vẫn chưa mở cửa trở lại. "Dự kiến sau lễ, chúng tôi sẽ mở cửa hoạt động du lịch. Tuy nhiên, ngày cụ thể phụ thuộc vào quyết định của UBND tỉnh", đại diện Sở VHTTDL Tiền Giang nói.

Nguyễn Nam - Xuân Ngọc

Let's block ads! (Why?)