FijiKhi bước lên tàu cho chuyến đi xuyên Thái Bình Dương, nam du khách Singapore không nghĩ hành trình của mình lại chông gai đến vậy.
Wong Tetchoong, người Singapore 59 tuổi, bắt đầu hành trình xuyên Thái Bình Dương bằng thuyền của mình vào ngày 2/2. Thời điểm đó, hầu hết ca lây nhiễm đều mới chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và thế giới vẫn đi lại bình thường.
Ban đầu, Tetchoong chu du cùng hai người bạn Indonesia. Nhưng đến 28/2, những người này đã quyết định trở về nhà khi Indonesia chuẩn bị đóng cửa biên giới, Tetchoong trả lời báo chí vào 5/5. Nam du khách muốn cập cảng ở Indonesia nhưng không thể vì dòng chảy quá mạnh. Sau đó, ông đi thuyền đến Papua New Guinea nhưng không thể cập cảng do đảo quốc này đã đóng cửa biên giới, cấm du khách nhập cảnh từ cuối tháng 1 do e ngại .
Hải trình tiếp theo của ông là hướng tới quần đảo Solomon. Nơi này cũng đóng cửa và Tetchoong lại tiếp tục lênh đênh trên biển, chuyển hướng tới Tuvalu. Tại đây, ông gặp tình huống tương tự nhưng được người dân địa phương cung cấp đồ ăn, nước uống.
Không còn lựa chọn nào khác, Tetchoong quyết định đi tới Fiji trong hải trình kéo dài 6 ngày 6 đêm. Ông đến vùng biển gần Fiji vào 28/4 và nhận thấy đất nước này cũng đang thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới chặt chẽ. Nhưng lần này, Tetchoong không thể đi tiếp vì máy lái tự động trên tàu đã bị hỏng. Hai ngày tiếp theo, con tàu bị hư hại nặng nề hơn do gió mạnh. Ông được hải quân Fiji giải cứu vào ngày 30/4, sau cuộc hội đàm giữa chính phủ nước này và Singapore, kết thúc chuỗi ngày lênh đênh trên biển gần 3 tháng.
Các nhân viên y tế của Fiji đã lên thuyền của Tetchoong với đầy đủ đồ bảo hộ để kiểm tra sức khỏe của ông. Sau đó, nam du khách được đưa tới bệnh viện và được xuất viện vào ngày 2/5. Kế hoạch hiện tại của Tetchoong là sớm quay trở về Singapore đoàn tụ cùng vợ và hai cô con gái, ngay sau khi biên giới mở cửa trở lại.
"Đây là lần đầu tôi đến Fiji. Tôi thực sự thích nơi này. Cảm ơn hải quân và chính phủ Fiji rất nhiều vì đã giải cứu tôi", Tetchoong nói.
Anh Minh (Theo Sun Fiji)