Chương đẫm máu trên biển Hong Kong

Nhiều người thắc mắc vì sao Vương vẫn quyết định đi bơi ở biển khi đã có nhiều cảnh báo nguy hiểm đến tính mạng.

Sáng sớm 13/6/1995, Vương Huệ Dung (Wong Kwai-yung) đi bơi ở bãi biển vịnh Nước Trong thuộc bán đảo Sai Kung của Hong Kong. Đó là quyết định khiến bà nội trợ này thiệt mạng.

Cá mập ở vùng biển phía đông thành phố đã lấy đi sinh mạng của hai người trong hai tuần trước đó, và tổng cộng 7 người chết trong 4 năm. Nỗi sợ hãi về các vụ tấn công bởi cá mập tựa như cơn sốt đang ở đỉnh nhiệt độ tại thành phố này vào thời điểm ấy.

Nhưng Vương vẫn giữ thói quen tắm biển mỗi buổi sáng trong nhiều năm, và cô cùng nhóm bạn khoảng 50 người đã liều lĩnh đi bơi vào sáng hôm đó. Cô còn bảo những người chèo thuyền trong nhóm ngồi canh chừng ở rặng phi lao gần bờ. Các nhân chứng cho biết, họ bắt đầu nghe tiếng hét của Vương vào khoảng 8 giờ sáng.

"Tôi la lên, hỏi Vương chúng ta có nên ra khỏi khu vực này không. Cô ấy nói tôi hãy bơi trước và sẽ theo sau. Khi tôi lên tới bờ, nhìn lại đã thấy cô ấy nổi trên vũng máu", người bạn bơi cùng bà Vương bàng hoàng kể lại.

Khi cơ thể của Vương được nhân viên cứu hộ đưa lên bờ, chân trái của cô đã bị xé toạc đến hông, cánh tay trái cũng biến mất. Bác sĩ nhận định có đến vài con cá mập đã tấn công Vương, để lại 7 dấu răng ở bụng và 2 vết ở đùi phải của cô, rộng từ 3 - 8 cm.

Bảng hiệu cảnh báo và vành đai an toàn trên bãi biển vịnh Silverstrand cùng thuộc quận ngoại ô Sai Kung xuất hiện sau hai vụ cá mập tấn công tại đây năm 1993. Ảnh: SCMP.

Bảng hiệu cảnh báo và vành đai an toàn trên bãi biển vịnh Silverstrand cũng thuộc quận ngoại ô Sai Kung xuất hiện sau hai vụ cá mập tấn công tại đây năm 1993. Ảnh: SCMP.

Đã 25 năm kể từ khi cô Vương tử vong, và đó là nạn nhân cuối cùng do cá mập tấn công chính thức được ghi nhận ở Hong Kong. Thảm kịch chấm dứt một chương đẫm máu trong lịch sử của địa phương, đọc qua cứ ngỡ như bộ phim kinh dị của Hollywood, ghi lại thời điểm Hong Kong chứng kiến nhiều người chết vì cá mập hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Từ 1991 - 1995, quá nhiều câu chuyện truyền miệng khác nhau về cá mập tồn tại trong cộng đồng dân cư ở Hong Kong. Nhiều người còn nói nhìn thấy cá mập quái vật và cả những nghi ngờ về cách thành phố xử lý nỗi hoang mang này.

Tiến sĩ Andy Cornish lớn lên ở Hong Kong và hiện là quản lý chương trình "Cá mập - Phục hồi sự cân bằng", một sáng kiến bảo tồn cá mập toàn cầu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF). Cornish cũng từng trải qua thời cuồng loạn bởi cá mập ở Sai Kung hơn 25 năm trước.

Ông Cornish bắt đầu nghiên cứu về cá ở các rạn san hô ở vịnh Nước Trong, nơi xảy ra hầu hết những vụ cá mập tấn công. "Đó là quãng thời gian cực kỳ căng thẳng. Tôi nghe nói nhiều người thả móc câu với từng con gà xuống biển khi đi thuyền ra khu vực đấy để nhử cá mập. Các câu chuyện vô cùng kích động", ông nói.

Thợ săn cá mập khét tiếng Vic Hislop đã bay từ Australia tới Hong Kong không lâu sau hai vụ cá mập tấn công năm 1993. Công việc của Hislop là đưa bãi biển Hong Kong ra khỏi danh sách bị đe dọa bởi cá mập. 

Nhưng anh ta bị cảm lạnh và ngộ độc thực phẩm, rồi nhanh chóng hết ý tưởng. Hislop thậm chí còn đề nghị buộc xúc xích vào chân đàn vịt còn sống và dùng chúng làm mồi nhử. Cuối cùng chẳng thấy con cá mập nào, hai tuần lênh đênh trên mặt nước thu hút nhiều người tò mò tới coi và có tiền bỏ túi, Hislop sau đó rời đi.

Tiến sĩ Andy Cornish nói rằng ông chưa nắm được một báo cáo nào đáng tin về cá mập lớn ở đây suốt 10 năm qua. Ảnh: Antony Dickson.

Tiến sĩ Andy Cornish nói rằng ông chưa nắm được một báo cáo nào đáng tin về cá mập lớn ở đây suốt 10 năm qua. Ảnh: Antony Dickson.

Chính quyền Hong Kong đã vào cuộc điều tra và đưa ra chương trình hành động, kể cả ý tưởng ném mìn từ trực thăng vào vùng biển có cá mập để loại bỏ nguy hiểm

Một tờ báo địa phương tài trợ xây dựng chuồng cá mập trị giá 12.000 USD để các thợ lặn tìm kiếm cá mập dưới biển. Nhưng nguồn quỹ cũng hết sau 50 lần xuống đáy biển và kết quả không thấy con cá mập nào.

Ba vụ thiệt mạng cuối cùng được ghi nhận từ 31/5/1995, được xác định là do hai con cá mập hổ tấn công từ vết cắn trên cơ thể cô Vương và một số lần cặp cá này được nhìn thấy.

"Chiến lược săn mồi phổ biến của cá mập hổ là tấn công đơn lẻ. Chúng tìm đến nơi không có đối thủ cạnh tranh, đột ngột tấn công và lại tiếp tục di chuyển đến chỗ khác. Có thể cặp cá mập ở Hong Kong đã làm vậy. Nhưng ở thời điểm đó không có nhiều con mồi lớn. Chúng tìm nguồn thức ăn bằng cách... cắn đại, và không may nạn nhân là con người. Đó là lý do có rất ít nạn nhân bị ăn thịt. Chúng chỉ cắn nhưng không thích, rồi bỏ đi", Cornish phân tích.

Nhà sinh vật học biển của Đại học Hong Kong Yvonne Sadovy được chính quyền mời đến tư vấn. Bà cho rằng cần lắp đặt lưới chống cá mập quanh 40 bãi biển.

"Ban đầu, nhiều người đồn đại rằng các vụ tấn công bởi cá mập là lừa đảo, vì chẳng có bằng chứng nào cho thấy cá mập quay trở lại sau đó", bà nhớ lại. "Cá mập đến đây theo mùa, trong lịch sử có nhiều báo cáo đã có cá mập xuất hiện thường xuyên. Mọi người quên rằng từng có nghề đánh bắt cá mập ở vùng biển này", bà nói thêm.

Đám đông hiếu kỳ xem thợ săn cá mập Vic Hislop vào việc ở bờ biển Silverstrand thuộc bán đảo Sai Kung, sau vụ cá mập tấn công tại đây năm 1993. Ảnh: SCMP.

Đám đông hiếu kỳ xem thợ săn cá mập Vic Hislop "vào việc" ở bờ biển Silverstrand thuộc bán đảo Sai Kung, sau vụ cá mập tấn công tại đây năm 1993. Nhiều người tin rằng những con cá mập hổ gây ra ba cái chết ở Hong Kong từ 31/5 - 13/6/1995. Ảnh: SCMP.

Tất cả đã là quá khứ. 25 năm qua không có một vụ tấn công đẫm máu nào xảy ra là điều tốt đẹp, nhưng quá khứ ẩn chứa một chương kinh dị của biển Hong Kong. Đánh bắt quá mức đã làm suy giảm nguồn cá, đặc biệt là quần thể cá mập trong và xung quanh Hong Kong trong năm thập kỷ qua.

Trong một bài báo có tựa đề "Những con cá mập ở Đông Nam Á - không được giám sát, không được quản lý" mà bà Sadovy là đồng tác giả, nói rằng nghề câu cá mập có ở vùng biển Nam và Đông Trung Quốc từ 3.000 năm trước. Ước lượng rằng nước này đánh bắt từ 9.000 đến 12.000 tấn mỗi năm trong thập niên 1950, 1960.

Các báo cáo từ 50 năm trước ghi nhận có những con cá mập đầu búa dài tới 4,5m và một lượng lớn cá mập vây đen bị đánh bắt. Nhưng từ những năm 1970 - 1990, nghề đánh bắt cá mập ở khu vực đều không còn.

"Trong số 109 loài từng có mặt trong lịch sử ở Biển Đông, giờ chỉ có 18 loài được ghi nhận trong cuộc điều tra mới đây. Tất cả những con cá lớn đều bị đánh bắt ở nơi này. Trong 850 lần lặn ở Hong Kong chỉ có một lần nhìn thấy cá mập và 5 - 10 năm qua tôi chẳng nghe thông tin nào liên quan đến cá mập nữa. Nhưng cá mập có tai tiếng khủng khiếp. Loài rắn cắn chết 20.000 - 50.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, còn cá mập khiến sáu người tử vong", Cornish nói.

Khi chính quyền Hong Kong chuyển sang cách dùng lưới để ngăn cá mập, đó là động thái gây tranh cãi. Một cuộc đấu thầu được tổ chức và hợp đồng rơi vào tay công ty địa phương được thành lập bởi thợ lặn người Na Uy Harald Kwam và đối tác Kenneth Chan. 

Họ chọn đường kính lỗ lưới nhỏ hơn khoảng 2,5cm so với 18cm được dùng ở các quốc gia khác. Sau khi lắp đặt lưới xong ở Hong Kong, Kwam tử vong một cách bi thảm khi lặn thám hiểm ở Papua New Guinea. Nhưng Chan vẫn tiếp tục với dự án lưới ngăn cá mập ở Hong Kong.

"Chính quyền quyết định các bãi biển, người dân và du khách cần được bảo vệ. Họ cũng cần thứ gì đó để phù hợp với điều kiện của Hong Hong. Chúng tôi làm việc này để giữ an toàn cho mọi người", Chan phát biểu.

Chàng trai Pháp thoát chết nhờ đấm cá mập

Nam du khách 23 tuổi người Pháp khi đang bơi trên biển Bells, bang Victoria (Australia) hồi tháng 5 nhờ đấm vào đầu nó. Video: 9News.

Vi Nguyễn (Theo SCMP)

Mặc dù các vụ cá mập tấn công người giảm dần trong các năm qua, nhưng với du khách tắm biển, cá mập luôn là nỗi ám ảnh. Theo Forbes, trong năm 2018 có 140 vụ khách tắm biển bị cá mập tấn công được ghi nhận, ít hơn 64 vụ so với năm trước; có 5 trường hợp tử vong. Tại Mỹ, năm 2018 có 41 vụ cá mập tấn công du khách, tăng 32 vụ. Trong đó, chiếm nhiều nhất là ở bãi biển Florida. May mắn, không có vụ tử vong nào ở Mỹ.

Số vụ cá mập tấn công xảy ra nhiều nhất sau Mỹ là tại Australia, tiếp theo là Bahamas. Các điểm nóng cá mập tấn công du khách trên thế giới còn có quần đảo Canary, quần đảo Caribbean, Cuba, Polynesia thuộc Pháp, đảo Guam, Israel, Mexico, New Caledonia và Nam Phi.

Let's block ads! (Why?)