PGS.TS Trần Hoàng Ngân nêu 4 kịch bản, dự báo kinh tế TP HCM tăng 2,5% với khả năng tiêu cực nhất, và trên 5,4% nếu lạc quan hơn.
Tại buổi tọa đàm "Đồng hành khôi phục và phát triển kinh tế TP HCM năm 2020" sáng 5/5, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM khẳng định kinh tế thành phố chắc chắn suy giảm trong giai đoạn dịch bệnh. Điều này được minh chứng qua số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý đầu năm chỉ đạt 0,42%, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên 7,64%.
Trong bối cảnh tình hình thế giới khó đoán định hơn và trong nước chịu tác động sâu rộng từ bên ngoài vì độ mở lớn, ông Ngân đưa ra bốn kịch bản tăng trưởng cho "đầu tàu kinh tế của cả nước". Các kịch bản được xây dựng trước khi có dữ liệu kinh tế - xã hội quý đầu năm nên triển vọng tương đối lạc quan so với hiện tại.
Kịch bản cơ sở dựa trên các giả định tiêu cực nhất như dịch bệnh kéo dài, bất ổn địa chính trị gia tăng, kinh tế thế giới suy thoái, các đối tác kinh tế lớn của thành phố như Mỹ, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc... khó hồi phục. Tính ổn định của các chỉ số vĩ mô trong nước cũng biến động theo thế giới. Kinh tế TP HCM năm nay tăng trưởng ở mức 2,5%.
Kịch bản 1 và 2 giảm dần mức độ tiêu cực của các biến số giả định. Kinh tế TP HCM khi đó tăng trưởng ở mức 3,4-4,12%. Ông Ngân kỳ vọng nhiều ở hai kịch bản này, bởi dịch bệnh trong nước đang được kiểm soát tốt và các đối tác kinh tế lớn của thành phố đã triển khai nhiều gói hỗ trợ nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Kịch bản 3 thể hiện trạng thái lạc quan nhất, dựa trên giả định kinh tế thế giới tăng trưởng thấp nhưng không rơi vào suy thoái. Tăng trưởng của TP HCM sẽ xoay quanh mức 5,42%. Tuy nhiên, ông Ngân nhận định kịch bản này "rất khó khả thị" bởi số liệu thống kê quý đầu năm của nhiều quốc gia cho thấy dấu hiệu suy thoái đã cận kề.
Theo TS Trần Hoàng Ngân, nhiệm vụ quan trọng của TP HCM lúc này là biện pháp chống dịch phải có sự điều chỉnh phù hợp nhằm đạt mục tiêu kép: đảm bảo an sinh xã hội và phục hồi kinh tế. Hoạt động kinh tế và người lao động cần được hỗ trợ để năng suất diễn tiến theo chiều hướng gia tăng của thời kỳ trước dịch. Thành phố cần theo dõi tiến trình phục hồi tại các nền kinh tế đối tác lớn, từ đó phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu để tăng khả năng thâm nhập thị trường trong điều kiện cho phép.
"Năm nay chắn chắc suy giảm nhưng phải nhìn về tương lai để làm sao từ 2021 trở đi, thành phố phát triển nhanh và bền vững hơn", ông Ngân nói.
Phương Đông