Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, mục tiêu một triệu doanh nghiệp năm nay không thể đạt, nhất là khi Covid-19 khiến nhiều đơn vị dừng hoạt động.
Tại họp báo công bố Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam sáng nay (28/4), ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết nền kinh tế dự kiến chỉ có khoảng 900.000 doanh nghiệp vào cuối năm 2020.
Do ảnh hưởng của Covid-19, 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập chỉ đạt hơn 80% cùng kỳ, giảm cả về số lượng, quy mô, vốn đăng ký trung bình. Trước đó, trong số liệu quý I, số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp ngừng kinh doanh còn tăng cao hơn. Trong ba tháng đầu năm, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4%, 14.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động nhưng số ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26%.
Theo ông Lâm, chỉ tiêu số lượng doanh nghiệp chỉ phản ánh một khía cạnh nào đó trong bức tranh phát triển nền kinh tế. Quan trọng hơn là các chỉ tiêu về quy mô, chất lượng, ngành nghề và mức độ ứng dụng khoa học công nghệ.
Theo Sách trắng doanh nghiệp, đến 31/12/2019, cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cuối năm 2018. Trong đó, khu vực dịch vụ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất, chiếm hơn 67%, theo sau là khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,6%, còn lại là nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Xét về quy mô vốn, phần lớn số doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 93,7% tổng số doanh nghiệp. Cả nước chỉ có hơn 17.000 doanh nghiệp quy mô lớn, chiếm 2,8%.
Tuy nhiên, nếu xét về hiệu quả hoạt động, phần lớn doanh thu được tạo ra từ nhóm 2,8% doanh nghiệp lớn. Theo cơ quan thống kê, các doanh nghiệp lớn có doanh thu thuần năm 2018 đạt 17,2 triệu tỷ đồng, chiếm gần 73% tổng doanh thu thuần toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn nhưng tạo ra chỉ hơn 4,1 triệu tỷ đồng doanh thu thuần, chiếm 17%. Đồng thời, tỷ suất sinh lời của khối doanh nghiệp ngoài Nhà nước, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, thấp hơn đáng kể khối doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Lý giải điều này, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp cho biết khu vực ngoài Nhà nước có sự năng động, nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và siêu nhỏ, trang thiết bị kỹ thuật có thể lạc hậu vài thập kỷ. Phần lớn những doanh nghiệp này có quy mô dưới 10 lao động, quy mô vốn đầu tư thấp nên việc áp dụng khoa học công nghệ là điều không dễ, khiến năng suất lao động kém.
Minh Sơn