Chứng khoán Mỹ sụt giảm khi diễn biến của Covid-19 ngày càng phức tạp và giới đầu tư hoang mang về tình hình thiếu chắc chắn.
Kết thúc phiên giao dịch 1/4, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 973,65 điểm, tương đương 4,4%, xuống 20.943 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất hơn 4,4% so với mức tham chiếu. Đà giảm của các chỉ số được nới rộng trong vài phút trước khi đóng cửa, dù thị trường trước đó đã phục hồi để thoát khỏi mức đáy trong phiên.
Tiện ích, bất động sản và tài chính là những lĩnh vực kéo S&P 500 đi xuống. Trong khi đó, cổ phiếu Boeing và American Express dẫn đầu đà giảm trên Dow Jones, mất lần lượt 12% và 9%.
Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York ngày 9/3. Ảnh: Reuters |
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cho biết sẽ đóng cửa tất cả sân chơi. Chính quyền bang này cũng dự báo tỷ lệ tử vong sẽ tăng cao cho đến tháng 7. Cuomo cho biết số ca nhiễm Covid-19 tại New York đã lên hơn 83.000 ca.
Những thông tin này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ngày 31/3 rằng nước Mỹ nên chuẩn bị cho "hai tuần rất đau đớn". Các quan chức Nhà Trắng dự đoán sẽ có khoảng 100.000 đến 240.000 ca tử vong do Covid-19 tại Mỹ.
Diễn biến phức tạp của đại dịch đã khiến thị trường toàn cầu lao dốc trong quý đầu tiên và được dự báo tiếp tục là rào cản trong những tháng tiếp theo. Nhà đầu tư hoang mang về tương lai và không biết liệu nền kinh tế sẽ phải đóng cửa trong bao lâu.
"Mọi người đang suy nghĩ về diễn biến của tháng 4, nhưng đó sẽ là một tháng đầy biến động về cả tin tức lẫn phản ứng của thị trường chứng khoán", Peter Boockvar - Giám đốc đầu tư của Bleakley Advisory Group cho biết, "Mọi người không biết được điều gì đang chờ đợi họ, diễn biến phức tạp của đại dịch sẽ đi đến đâu và khi nào mọi thứ sẽ mở cửa trở lại".
Covid-19 cũng được giới phân tích dự báo sẽ tác động tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý I, thậm chí ảnh hưởng đến các quyết định chi trả cổ tức.
"Bị ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu, các doanh nghiệp có thể ưu tiên trả lương nhân viên và giảm nợ hơn là trả cổ tức. Điều này có thể gây rủi ro cho cổ phiếu. Thông báo giảm cổ tức tạm thời trong 1-2 tháng có thể được thị trường chấp nhận, nhưng nếu kéo dài hơn, nó có thể tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư", Lauren Goodwin, chiến lược gia tại New York Life Investments đánh giá.
Trong bối cảnh thị trường lao dốc, Quốc hội Mỹ cuối tuần trước đã thông qua gói kích thích trị giá 2.200 tỷ USD nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch. Tuy nhiên, nhiều người đang kêu gọi phải có thêm gói kích thích. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại Boston Eric Rosengren cho rằng Mỹ có thể sẽ phải cung cấp nhiều gói kích thích hơn để giúp đỡ những người ở tầng lớp thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Minh Sơn (theo CNBC)