Nông dân vắt sữa bò chỉ để đổ đi

Mỹ Dù sữa ế ẩm vì Covid-19, việc vẫn phải vắt sữa và chưa thể giảm số bò khiến nông dân đành đổ bỏ hơn 10 triệu lít mỗi ngày.

Cách đây vài tuần, Jim và Katie DiGangi bắt đầu phải đổ đi hơn 70.000 lít sữa một ngày. Trước đó, đôi vợ chồng vận hành trang trại ở Wisconsin (Mỹ) này chưa bao giờ phải làm vậy. "Đây là thách thức với gia đình chúng tôi", Katie nói.

Gần đây, những người nông dân như gia đình Katie phải đổ bỏ sữa vì nhu cầu lao dốc khi các trường học, nhà hàng, đơn vị cung cấp thực phẩm phải đóng cửa để ngăn sự lây lan của .  

Sự thay đổi đột ngột này khiến các trang trại trên khắp nước Mỹ thừa sữa. Theo Dairy Farmers of America (DFA), một hợp tác xã sản xuất sữa lớn tại Mỹ, khoảng 10 - 14 triệu lít sữa có thể bị bỏ đi mỗi ngày. Tuy nhiên, nông dân không thể dừng vắt sữa bò.

"Sữa là loại sản phẩm thu hàng ngày. Khi đưa một con bò sữa vào chuỗi sản xuất, bạn không thể can thiệp vào sản lượng của nó. Vì vậy, rất khó có thể nhanh chóng ứng phó với khủng hoảng", Alan Bjerga, Phó chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất sữa quốc gia (NMPF) giải thích.

Một nông dân ở Pennsylvania nhìn hơn 20.000 lít sữa chảy xuống cống. Ảnh: CNN

Một nông dân ở Pennsylvania nhìn hơn 20.000 lít sữa chảy xuống cống. Ảnh: CNN

Đại dịch đã giáng một đòn mạnh vào nhiều lĩnh vực, từ hàng không đến bán lẻ. Với ngành công nghiệp sữa, sự suy giảm rất nghiêm trọng, khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn.

Cả nông dân và các nhà chế biến sữa đã chật vật từ trước khi đại dịch diễn ra. Giai đoạn 2015 - 2019 đặc biệt khó khăn, do sản phẩm này bị Mexico và Trung Quốc áp thuế nhập khẩu trả đũa.

Nửa cuối năm ngoái, giá sữa bắt đầu tăng sau khoảng bốn năm xuống thấp. Một số nông dân hy vọng 2020 sẽ là năm phục hồi với ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lại khiến nhiều nông dân rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. "Mọi người đã phải chi rất nhiều để duy trì hoạt động kinh doanh", Dave Kyle, giám đốc hợp tác xã sữa Foremost Farms USA cho biết.

Giữa tháng 3, khi thấy nhu cầu tiêu thụ bất đầu sụt giảm, Kyle đã yêu cầu các thành viên trong hợp tác xã giảm sản lượng. Nhiều người không đồng tình. "Phản ứng của họ như là: 'Chúng tôi không thể tồn tại nếu cắt giảm'", ông kể lại.

Theo Kyle, ngoài lo ngại về tài chính, nông dân còn những lý do khác để tiếp tục vắt sữa. Họ có thể từng bước giảm sản lượng sữa của mỗi con bò hoặc giảm quy mô đàn. Tuy nhiên, họ lo điều này có thể khiến lượng sữa ít đi, dẫn đến thiếu hụt. Nhu cầu giai đoạn đầu khủng hoảng rất biến động, khiến các nhà sản xuất khó biết được nó sẽ thế nào trong tương lai.

Dennis Rodenbaugh - Phó chủ tịch DFA cho rằng đổ sữa là giải pháp cuối cùng với các trang trại. Ông lý giải nó có thể là lựa chọn ít tốn kém nhất trong ngắn hạn. Nếu sữa không thể tiêu thụ, việc chuyển nó thành phô mai hay bơ cũng rát tốn kém.

NMPF và Hiệp hội thực phẩm sữa quốc tế (IDFA) ước tính nguồn cung hiện vượt ít nhất 10% nhu cầu. Họ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cung cấp các gói kích thích tài chính cho nông dân ngành sữa để giảm nguồn cung trong khoảng 6 tháng. Họ cũng đề xuất hỗ trợ cho những người phải đổ bỏ sữa trong 3 tháng.

Các tổ chức đang yêu cầu chính phủ mua các sản phẩm sữa và ủng hộ cho ngân hàng thực phẩm. Đây là cách vừa cung cấp cho những người cần thực sự, lại vừa ngăn không cho nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh hơn nữa. Những biện pháp này có thể từng bước giúp ngành sữa ổn định và giảm lượng sữa bị bỏ đi.

CNN cho rằng không ai muốn đổ sữa đi. Tuy nhiên, việc này cùng các nỗ lực khác sẽ giúp các trang trại tồn tại và đảm bảo người Mỹ có đủ sữa, phô mai, bơ và kem trong tương lai

Tú Anh (theo CNN)

Let's block ads! (Why?)