Lao động kinh nghiệm, vị trí cao cũng lo thất nghiệp

Covid-19 không chỉ đe doạ lao động phổ thông mà nguy cơ đẩy cả những nhân sự có thâm niên, thậm chí cấp bậc quản lý ra đường.

Navigos Search vừa chạy thử chiến dịch "Career Support - Hỗ trợ sự nghiệp" trong một tuần cho người lao động. Hơn 1.200 ứng viên ở đa dạng các ngành nghề và lĩnh vực đã gửi hồ sơ về để mong nhận được hỗ trợ giới thiệu cơ hội việc làm mới trong đại dịch. Kết quả là, gần một nửa số hồ sơ đề xuất hỗ trợ việc làm đến từ nhóm ứng viên cấp trung.

Cụ thể, 27% đang giữ vị trí phó, trưởng phòng; 19% là trưởng nhóm, giám sát. Ngoài ra, 35% hồ sơ là nhân viên có kinh nghiệm, chuyên viên và chỉ 9% thuộc cấp bậc mới ra trường, dưới 2 năm kinh nghiệm.

Đáng chú ý, 41% ứng viên nộp hồ sơ có hơn 8 năm kinh nghiệm. Navigos cho rằng, điều này phản ánh các ứng viên cấp trung có nhiều năm kinh nghiệm cũng đang gặp khó khăn khi tìm kiếm cơ hội mới. 32% ứng viên có hơn 10 năm kinh nghiệm và 9% có từ 8 – 10 năm kinh nghiệm.

Việc ứng viên có kinh nghiệm lâu năm đổ xô tìm việc có thể do thu nhập tại công ty hiện tại giảm mạnh mùa dịch hoặc bị thất nghiệp vì công ty ngừng hoạt động. Số liệu quý I của Tổng cục Thống kê mới công bố cũng cho thấy điều này. Số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn nhưng số ngừng kinh doanh còn tăng cao hơn. Trong ba tháng đầu năm, cả nước có 29.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4%, 14.800 doanh nghiệp trở lại hoạt động nhưng số ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18.600 doanh nghiệp, tăng 26%. 

3 nhóm ngành theo khảo sát của Navigos Search đang tìm việc nhiều nhất là : sản xuất (chiếm 26%), với dệt may chiếm tỷ trọng cao nhất; du lịch - nhà hàng - khách sạn (10%) và dịch vụ tài chính - bảo hiểm (6%). Đây cũng chính là những ngành có nhu cầu tuyển người giảm trong quý vừa qua, nhưng được dự báo tăng nhu cầu nhân sự mạnh sau dịch.

Tuần trước, trong một buổi toạ đàm, ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM - một trong những ngành ảnh hưởng mặt nề của đại dịch - cũng nhìn nhận, Covid-19 ảnh hưởng không chỉ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà cả quản trị và nhân sự.    

Khi dịch bệnh xảy ra, ông cho biết, hội dự báo khả năng hồi phục trong tháng 3-4 nhưng thực tế không như vậy. Do đó, các doanh nghiệp phải chật vật duy trì thu nhập và giữ chân lao động. Koảng 50% doanh nghiệp dệt may trong hội đã chuyển hướng sang sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ lao động.

Ngay cả với ngành công nghệ thông tin - vốn được xác định ít ảnh hưởng bởi đại dịch, các nhân lực cũng không hoàn toàn vô tư với Covid-19. Trong báo cáo "Thị trường IT Việt Nam quý I" của TopDev, có 37,5% ứng viên được hỏi nói rằng họ lo sợ mất việc hoặc thu nhập bị ảnh hưởng. Gần 24% đang tìm cách bổ sung thu nhập, hơn 12% tham gia các dự án mã nguồn mở và cộng đồng.  

Nhưng nhu cầu tuyển dụng cũng đã có những chuyển biến tích cực. Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết một số doanh nghiệp đã đẩy mạnh hoạt động tuyển dụng để sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, khiến các doanh nghiệp tìm cách đa dạng hóa nguồn cung và hạng mục sản xuất nên theo bà Mai có thể củng cố làn sóng chuyển dịch dây chuyền sang Việt Nam. Trong đó, các ngành sản xuất dệt may, công nghiệp phụ trợ, điện - điện tử có nhiều cơ hội.      

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)