So với năm 2008, nền tảng vĩ mô hiện ổn định hơn trước nhưng việc thị trường phụ thuộc nhiều vào dòng vốn ngoại lại là một biến số lớn.
Chứng khoán vừa ghi nhận nhưng khi Covid-19 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt cả trong nước và thế giới, kinh tế toàn cầu bên bờ vực suy thoái, giới đầu tư vẫn không khỏi ám ảnh về giai đoạn lao dốc năm 2008.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Đức Anh - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng khó lặp lại khả năng thị trường hoảng loạn, VN-Index giảm liên tục, nhiều cổ phiếu mất thanh khoản như giai đoạn 2007-2008. Nguyên nhân cơ bản theo ông là nền tảng vĩ mô ổn định và thị trường chứng khoán hiện nay lành mạnh hơn sau 10 năm.
Trước giai đoạn khủng hoảng 2008, thị trường chứng khoán đã bộc lộ nhiều điểm yếu. Đà tăng trưởng nóng thể hiện qua chỉ số P/E toàn bộ doanh nghiệp niêm yết trên HoSE lên đến 40 lần. Đây là hệ quả của nhiều yếu tố cộng gộp: chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng thời gian dài dẫn đến lạm phát, các quy định sử dụng đòn bẩy lỏng lẻo, nguồn vốn đầu tư gián tiếp lớn để đón sóng gia nhập WTO...
Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức ở mức rất thấp, dưới 10% cho thấy thị trường thưa vắng dòng tiền dài hạn và chịu sự chi phối mạnh bởi hoạt động đầu cơ. Chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước về việc khống chế cho vay ký quỹ chứng khoán sau đó càng khuếch đại lỗ hổng này.
Thiếu bền vững và dễ bị tác động bởi các yếu tố tâm lý trở thành hai mảng màu đậm nét nhất trong bức tranh thị trường. Điều này được cụ thể bằng việc VN-Index giảm mạnh khi đối mặt khủng hoảng và P/E thị trường cuối năm 2008 chạm đáy còn 8 lần.
Đồng quan điểm, ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận chiến lược thị trường thuộc Khối phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng sức mạnh của các định chế tài chính được củng cố đáng kể. Hơn nữa, kinh nghiệm ứng phó với khủng hoảng trước đây giúp cơ quan điều hành thực thi nhiều chính sách linh hoạt góp phần giúp thị trường trụ vững sau ba tháng sống chung với dịch bệnh.
Nếu đại dịch được kiểm soát trong quý II hoặc đầu quý III sẽ không xảy ra một cuộc khủng hoảng tương tự giai đoạn 2008. Thị trường cũng không mất nhiều thời gian "chữa lành" những tổn thương mà có thể quay trở lại xu hướng phục hồi ngay năm sau.
"Việc thị trường lao dốc mới đây là điều khó tránh khỏi, nhưng diễn biến giá cổ phiếu hiện nay phản ánh sát hơn sức khoẻ nội tại của doanh nghiệp và cơ hội hồi phục cũng sớm xuất hiện khi dịch bệnh qua đi", ông Đức Anh nói.
Tuy nhiên, thị trường hiện có nhiều điểm khác biệt với cách đây hơn chục năm và đây có thể là "biến số" dẫn tới những rủi ro khác.
So với trước, khối ngoại hiện dần khẳng định khả năng chi phối sau chính những công tác thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài của cả cơ quan điều hành lẫn doanh nghiệp. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trên toàn thị trường năm ngoái là 16%, gấp đôi so với thời kỳ khủng hoảng.
Tuy nhiên, khi được xếp hạng thị trường cận biên, chứng khoán Việt Nam đứng trước nguy cơ bị khối ngoại rút vốn nhiều hơn nếu rủi ro toàn cầu tăng lên. Thực tế trong quý đầu năm, khối ngoại rút ròng hơn 9.000 tỷ đồng và trực tiếp tạo nên tâm lý bi quan cho nhà đầu tư trong nước.
Nền kinh tế hiện tại có mối liên hệ chặt hơn với toàn cầu nhờ ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do và tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng. Điều này đồng nghĩa kinh tế Việt Nam, hay xét trong một mẫu nhỏ hơn là nhóm các doanh nghiệp niêm yết, sẽ bị tác động mạnh nếu suy thoái toàn cầu xảy ra.
Giới chuyên gia cho rằng xu hướng ngắn hạn sắp tới phụ thuộc bốn biến số quan trọng là thời gian cách ly xã hội, khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm thứ hai, thời điểm có vaccine và hiệu quả các chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19.
Kịch bản tích cực là các biến số trên đều thuận lợi, VN-Index sẽ sớm quay trở lại mức 870-900 điểm vào cuối năm. Kịch bản cơ sở là kinh tế toàn cầu không đổ vỡ nhưng hồi phục chậm chạp do làn sóng lây nhiễm mới và vaccine ra thị trường vào cuối năm. VN-Index khi đó có thể quy trì quanh vùng giá hiện tại là 770-800 điểm.
Giả định nếu cuối năm nay, thế giới vẫn bất lực trong việc kiểm soát dịch, quá trình chế tạo vaccine không tiến triển trong hai năm tới thì thị trường sẽ đổ vỡ và rơi vào suy thoái trầm trọng như giai đoạn 2008. Với kịch bản này, VN-Index có thể rơi xuống vùng giá 500 điểm, tương đương P/E 8 lần và cũng là mức đáy.
Chuyên gia này đánh giá những động thái can thiệp trong các năm qua của nhà điều hành như thu hẹp biên độ giao dịch, khuyến khích doanh nghiệp mua cổ phiếu quỹ, miễn giảm các loại phí... phần nào giúp trấn an tâm lý nhà đầu tư, cải thiện thanh khoản, hỗ trợ giá...
Nhưng để giải quyết gốc rễ vấn đề vẫn cần các giải pháp mang tính dài hạn và phức tạp hơn khi điều kiện hạ tầng cho phép như nới quy định cho vay ký quỹ với những cổ phiếu chất lượng trên UPCoM, đẩy nhanh việc triển khai giao dịch T0, sớm triển khai NVDR (cổ phiếu, chứng chỉ không có quyền biểu quyết)... Chính sách tiền tệ và tài khoá cũng cần linh hoạt, vừa đảm bảo cân đối vĩ mô, vừa nới lỏng cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Phương Đông