Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên cuối cùng của tháng 3 khiến DJIA có quý giảm mạnh nhất kể từ năm 1987.
Chốt phiên giao dịch ngày 31/3, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 410 điểm, tương đương 1,84% xuống 21.917 điểm. S&P 500 mất 1,6% còn 2.584 điểm, trong khi Nasdaq Composite mất gần 1% xuống còn 7.700 điểm.
Cổ phiếu lĩnh vực tiện ích và bất động sản dẫn đầu đà giảm trong phiên, mất lần lượt 4% và 3%. Ở chiều ngược lại, nhóm ngành năng lượng tăng gần 1,6%, được thúc đẩy bởi sự phục hồi của giá dầu, dù "vàng đen" đã kết thúc quý I với đà lao dốc mạnh nhất lịch sử.
Tính chung quý I, S&P 500 và Dow Jones đều kết thúc với mức giảm trên 20% so với cuối năm 2019. Nguyên nhân là diễn biến đại dịch tại Mỹ phức tạp, đẩy hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vào bế tắc. DJIA có quý tệ nhất kể từ năm 1987. S&P có quý giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính. Còn Nasdaq Composite cũng kết thúc quý với mức giảm lớn nhất kể từ cuối năm 2018.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cùng các biện pháp ngăn chặn sự lây lan đã giáng đòn vào các hoạt động kinh tế. Giới phân tích đã giảm kỳ vọng tăng trưởng cho năm 2020, trong khi các nhà đầu tư dự báo kết quả quý I của nhiều doanh nghiệp sẽ ảm đạm.
Những biện pháp kích thích chưa từng có, với các gói hỗ trợ hàng nghìn tỷ USD, đã giúp thị trường chứng khoán phục hồi vào tuần trước, nhưng không đủ giúp các nhà đầu tư lấy lại niềm tin.
"Nhà đầu tư không sẵn sàng đặt cược, dù là bất kỳ hướng nào. Tuần tới, chúng tôi sẽ có đánh giá chi tiết hơn khi các báo cáo sớm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được công bố", Carol Schleif, Phó giám đốc phụ trách đầu tư tại Abbot Downing cho biết.
Minh Sơn (theo Reuters)