GM dưới áp lực 'sản xuất máy thở' của Trump

General Motors cho rằng việc dàn xếp để chuyển sang sản xuất máy thở chỉ trong 5 ngày là "nỗ lực không thể tin được". Nhưng Trump không nghĩ thế.

Trong khi phần lớn nền kinh tế Mỹ ngưng trệ vì Covid-19, hàng chục công nhân mặc quần áo màu cam và đội mũ bảo hộ vẫn vận chuyển thiết bị tại nhà máy GM ở Kokomo hôm Chủ nhật (27/3).

Họ là một phần trong nỗ lực để sản xuất cấp tốc hàng chục nghìn máy thở - phao cứu sinh cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng. Các bệnh viện Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng máy thở, riêng bang New York có thể cần đến 30.000 chiếc hoặc cao hơn.

5 ngày để thành công ty sản xuất máy thở

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump lần đầu tiên dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng, yêu cầu GM làm máy thở. GM đã hợp tác với Ventec Life Systems, một nhà sản xuất máy thở nhỏ để tăng tốc sản xuất thiết bị.

Trong bối cảnh các ca tử vong tăng vọt, hai công ty đã nhanh chóng tìm linh kiện, đặt hàng và triển khai công nhân. Các công việc này thường mất đến vài tuần hoặc vài tháng đã được hoàn thành chỉ sau vài ngày. Họ dự kiến bắt đầu sản xuất trong ba tuần và những máy thở đầu tiên sẽ được giao trước khi kết thúc tháng 4.

Một công nhân GM trong nhà máy tại Kokomo, nơi hãng xe này sẽ sản xuất máy thở với Ventec. Ảnh: GM

Một công nhân GM trong nhà máy tại Kokomo, nơi hãng xe này sẽ sản xuất máy thở với Ventec. Ảnh: GM

Hôm 19/3, GM bắt đầu mối hợp tác với Ventec, công ty thường sản xuất 200 máy thở một tháng để tìm cách tăng gấp 10 lần sản lượng. Làm việc thông cả hai ngày cuối tuần (21 và 22/3), họ nhanh chóng tìm kiếm được các nhà cung cấp mới, có thể đáp ứng linh kiện với khối lượng lớn.

Cuối tuần trước, GM yêu cầu công nhân dọn vệ sinh nhà máy Kokomo, nơi từng được dùng để sản xuất các linh kiện ôtô đã phải ngừng hoạt động vì đại dịch. Vài ngày tới, GM và Ventec bắt đầu thiết lập một dây chuyền lắp ráp. Nhà sản xuất ôtô Mỹ cũng đang chọn hàng trăm công nhân.

"Chúng tôi tiếp tục làm việc ngày đêm với những nỗ lực cùng Ventec. Chúng tôi đang làm nhanh nhất có thể để sản xuất máy thở tại Kokomo", GM nói trong thông cáo đêm hôm Chủ nhật.

Kristin Dziczek, phó chủ tịch ngành công nghiệp và kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu ôtô ở Ann Arbor, Mich cho biết rất ấn tượng với những gì GM và Ventec làm. Theo ông, việc sản xuất của GM đòi hỏi một chuỗi cung ứng khổng lồ và họ có khả năng đối mặt với những thách thức lớn về sản xuất khác.

Tuy nhiên, Trump không lại thấy như vậy. Cuối tuần trước, ông nói trên Twitter rằng CEO Barra và GM hứa cung cấp "rất nhanh chóng" 40.000 máy thở nhưng hiện họ nói chỉ có thể sản xuất được 6.000 đến cuối tháng 4 và muốn giá cao cho những chiếc máy này. "Luôn luôn là một mớ hỗn độn với Mary B", Trump nói.

GM đã không đàm phán giá và các chi tiết khác với Chính phủ. Ventec đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Cơ quan quản lý khẩn cấp liên bang (FEMA), Bộ Y tế về việc Chính phủ muốn mua bao nhiêu máy thở và giá thế nào. GM cho biết họ sẽ không tính lãi từ sản xuất máy thở và chỉ tìm cách để trang trải các chi phí.

Tháng này, bà Barra nhận cuộc gọi từ đại diện của Stop the Spread, một chiến dịch phi lợi nhuận được phát động bởi Rachel Romer Carlson, CEO Guild Education và Kenneth I. Chenault, chủ tịch và giám đốc quản lý hãng đầu tư mạo hiểm General Catalyst.

Hai người này đã viết một bài trên The New York Times kêu gọi lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia vào cuộc chiến chống đại dịch hôm 18/3. Và khoảng 1.500 giám đốc điều hành các công ty đã ký vào thư cam kết giúp đỡ để đáp lại yêu cầu trên.

Phó chủ tịch Ventec, Joe Cipollone giải thích về máy thở VOCSN cho các lãnh đạo GM hôm 20/3. Ảnh: GM

Phó chủ tịch Ventec, Joe Cipollone giải thích về máy thở VOCSN cho các lãnh đạo GM hôm 20/3. Ảnh: GM

Bà Barra đã đề nghị giúp đỡ và đại diện của Stop the Spread gợi ý GM nên sử dụng nhà máy của mình để có thể giúp Ventec tăng quy mô sản xuất máy thở.

Ventec không phải một đại gia trong ngành sản xuất máy thở. Tuy nhiên, họ nổi tiếng với mẫu VOCSN, được FDA cấp chứng nhận năm 2017. VOCSN chỉ có kích thước như một lò nướng cỡ lớn, kết hợp một số chức năng mà trước đây đã được thực hiện bởi một số máy móc để bơm không khí vào phổi, hút dịch tiết ra và cung cấp oxy. Thiết bị này có thể sử dụng trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện và cũng có thể dùng tại nhà.

Khi được yêu cầu, GM, Ford và Fiat Chrysler đã phải chật vật với việc có giữ nhà máy hoạt động không. Liên minh các công nhân sản xuất ôtô Mỹ đã gây sức ép để các doanh nghiệp hành động nhiều hơn để bảo vệ công nhân. Một ngày sau khi bà Barra nói chuyện với Stop the Spread, GM và hai đại gia ngành ôtô Mỹ thông báo đóng cửa nhà máy ít nhất đến 30/3.

Hôm sau, Phil Kienle, người đứng đầu mảng sản xuất Bắc Mỹ và một số lãnh đạo khác bay đến trụ sở của Ventec ở Bothell, Wash. Sáng sớm ngày 20/3, đội ngũ GM ngồi lại cùng các lãnh đạo Ventec để học về những chiếc máy thể được tạo ra thế nào và các linh kiện cần thiết.

Khi đó, Ventec đã bắt đầu nâng công suất lên 1.000 chiếc một tháng. Công ty này cho rằng, với nguồn lực của GM, mục tiêu 20.000 máy thở cùng lúc sẽ khả thi.

Ngay ngày sau đó (21/3), GM gửi email cho các nhà cung cấp của Ventec để hỏi xem ai có thể cung cung cấp với khối lượng lớn. Đồng thời, đội ngũ của Kienle đã nhanh chóng chọn Kokomo làm nơi sản xuất máy thở. Nhà máy này không giống các nhà máy lắp ráp ôtô khác khi có không gian sạch sẽ cần thiết để sản xuất thiết bị y tế.

Tối chủ nhật (22/3), Giám đốc mua sắm Shilpan Amin email cho bà Barra và các lãnh đạo cao cấp khác để báo cho họ biết rằng – GM và Ventec đã nhận đảm bảo cam kết từ các nhà cung cấp đến 95% linh kiện cần thiết.

Thứ 3 tuần trước (24/3), GM và Ventec đã tiết lộ chi tiết của sự hợp tác. Theo đó, GM sẽ hoạt động như một nhà sản xuất hợp đồng cho Ventec - đơn vị sẽ bán và phân phối máy thở. Ventec cũng có kế hoạch tăng sản xuất tại nhà máy của họ ở bang Washington.

Trump vẫn không hài lòng

Khi các cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra, các ca bệnh tăng chóng mặt tại thành phố New York và cũng tăng nhanh tại Boston, Detroit, New Orleans... Trong một cuộc họp báo, Thống đốc New York phàn nàn rằng chính phủ chỉ cung cấp 400 máy thở cho bang này. "Bạn có 26.000 người sắp chết và bạn chỉ được cung cấp 400 chiếc máy thở", ông Andrew M. Cuomo nói hôm 24/3.

Hai ngày sau, Trump phản bác về số lượng của Cuomo khi trả lời phỏng vấn trên Fox New. "Tôi không nghĩ ông cần 40.000 hoặc 30.000 máy thở. Ông vào trong các bệnh viện lớn mà xem. Họ sẽ chỉ có hai chiếc", Trump nói.

Chính quyền liên bang chỉ thị các nhà sản xuất nên làm bao nhiêu máy thở, bao gồm cả GM và Ventec. Ventec cũng chưa bao giờ được chính quyền xác nhận về việc ai quan tâm đến việc mua máy thở, số lượng họ muốn và giá thế nào.

Cùng lúc này, các cơ quan quản lý nói với The Times rằng họ đang chật vật để tìm hiểu hai công ty có thể sản xuất bao nhiêu máy thở. Chiều hôm 25/3, FEMA nói với Nhà Trắng rằng họ cần thêm thời gian để đánh giá các yêu cầu với máy thở.

Khi ông Trump đả kích GM tối 27/3, lãnh đạo hai công ty GM và Ventec đã rất choáng váng. Đồng thời, các lãnh đạo GM đã rất tức giận với Tổng thống Mỹ khi mà họ đã đạt được nhiều tiến bộ chỉ trong một tuần và ngay trước đó chính quyền còn ủng hộ nỗ lực này.

"Những gì chúng tôi làm trong 5 ngày là không thể tin được", Larryson Foltran, công nhân làm việc trong bộ phận hỗ trợ công nghệ tại GM viết trên Facebook và nói thêm anh đã làm việc 14 – 18 tiếng một ngày. Anh cho rằng ý kiến của ông Trump làm mình tổn thương hơn.

Tuy nhiên, cuối cùng các lãnh đạo GM và Ventec quyết định sẽ không đưa ra bất cứ phản hồi trực tiếp nào với tổng thống vì việc này sẽ chỉ khiến họ nhận thêm chỉ trích từ Nhà Trắng.

Bốn nguồn tin của NYT thân cận với kế hoạch của GM và Ventec cho biết ngay cả khi chính quyền liên bang từ chối mua máy thở của Ventec và GM, hai doanh nghiệp này sẽ vẫn làm vì họ biết nhiều khách hàng trên khắp nước Mỹ và thế giới sẽ cần.

Bài đăng chỉ trích GM của Trump dường như cũng làm mất lòng lãnh đạo các công ty khác. Một nguồn tin thân cận với chiến dịch Stop the Spread cho biết vài lãnh đạo từng sẵn sàng đóng góp trước đó đã rút lui vì họ sợ trở thành mục tiêu công kích của Trump như bà Barra.

Đến cuộc họp báo hôm Chủ nhật (29/3) tại Nhà Trắng, Trump đã đổi giọng điệu hoàn toàn khác. "GM đang làm một công việc tuyệt vời. Tôi không nghĩ chúng ta phải lo lắng về GM lúc này", Trump nói.

Tú Anh (theo The New York Times)

Let's block ads! (Why?)