Lý do Trung Quốc muốn kiềm chế căng thẳng Mỹ - Iran

Bắc Kinh thúc giục các bên kiềm chế leo thang ở Trung Đông, khu vực mà Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ.

Thứ bảy tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhận được một cuộc gọi từ Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif. Cuộc điện đàm diễn ra sau khi tướng Qasem Soleimani đã chết trong một cuộc không kích của Mỹ ở Baghdad.

"Trung Quốc phản đối sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế", ông Vương Nghị tuyên bố trên một bản tin trực tuyến của Bộ Ngoại giao nước này. "Quân sự và áp lực tối đa đều sẽ không dẫn đến đâu. Trung Quốc kêu gọi Mỹ tìm kiếm giải pháp đối thoại thay vì sử dụng vũ lực", tuyên bố của ông Nghị có đoạn.

Ngoài quan điểm chính trị, Trung Quốc có nhiều lý do kinh tế để phải tích cực kêu gọi các bên kiềm chế khi căng thẳng leo thang tại Trung Đông. "Nếu Mỹ và Iran tham chiến, điều đó sẽ gây hại nhiều hơn cho Trung Quốc", Thời báo Hoàn Cầu cho biết trong một bài xã luận bằng tiếng Anh xuất bản hôm chủ nhật.

Thời báo này nhận định, nếu có sự hỗn loạn nghiêm trọng ở Trung Đông, Mỹ thực sự sẽ bị mắc kẹt nhiều hơn tại khu vực này. Tuy nhiên, Trung Quốc lại mua dầu từ Trung Đông nhiều nhất thế giới. Điều đó có nghĩa nước này phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ tại đây hơn so với Mỹ. Trung Quốc cũng đang có các khoản đầu tư lớn vào Iran, Iraq và nhiều quốc gia Trung Đông khác.

Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Một tàu chở dầu cập cảng Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Dữ liệu của Finacial Times cho biết, nhập khẩu dầu của Trung Quốc đã tăng nhanh trong thập kỷ qua. Đất nước này có thể có 2,5 triệu xe điện nhưng cũng có hơn 300 triệu xe chạy bằng diesel và xăng, cùng ngành du lịch hàng không nội địa đang mở rộng. Dầu đã trở nên không thể tách rời khỏi hoạt động kinh tế và là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu đang phát triển Trung Quốc.

Gần một nửa, khoảng 44%, lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông. Trong khi Mỹ trở nên tự chủ hơn nhờ vào cuộc cách mạng dầu đá phiến, thì thị trường trọng yếu của dầu mỏ Trung Đông là châu Á chứ không phải Mỹ.

Năm 2019, Trung Quốc đặc biệt phụ thuộc vào Saudi Arabia. Nước này đã vượt qua Nga để trở thành nhà cung ứng dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc. Tháng 6/2019, nước này nhập từ Saudi Arabia 1,88 triệu thùng mỗi ngày, gần gấp đôi so với một năm trước đó, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Energy Aspects.

"Nếu xuất khẩu dầu của Iran hoàn toàn bị cắt đứt bằng các lệnh trừng phạt hoặc bởi một cuộc xung đột vũ trang tại eo biển Hormuz thì Trung Quốc sẽ là một trong những người đầu tiên bị tổn thương. An ninh năng lượng hiện là một vấn đề của Trung Quốc", tờ Finacial Times từng nhận định.

Cổ phiếu của các công ty năng lượng nhà nước Trung Quốc như PetroChina và Sinopec lần lượt tăng 5% và 2% trong phiên giao dịch chiều thứ hai. Giá dầu sáng nay tăng thêm 2%, kéo Brent vượt 70 USD một thùng.

"Giá dầu sẽ tăng vọt trong trường hợp xung đột quân sự toàn diện ở Trung Đông", ông Alexander Kozul-Wright, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics nói. Tuy nhiên, ông nói thêm, đà tăng có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn vì mạng lưới cung ứng sẽ điều chỉnh và nhu cầu sẽ giảm khi giá cao hơn.

Phiên An (theo CNBC, FT, WSJ)

Let's block ads! (Why?)