Eo biển Hormuz trước vòng xoáy căng thẳng dầu mỏ

Cửa ngõ trung chuyển dầu thô thế giới - eo biển Hormuz đang thành điểm nóng trong vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Iran tại Trung Đông. 

Vài giờ sau cuộc không kích của Mỹ giết tướng Qassem Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), giá dầu thô trên thị trường quốc tế tăng vọt, lên mức cao nhất trong 7 tháng qua và nhiều khả năng vượt 80 USD một thùng. 

Bên cạnh giá dầu, giới phân tích đang đổ dồn sự lo ngại vào eo biển Hormuz - nơi có thể trở thành điểm nóng trước vòng xoáy căng thẳng Mỹ - Iran.

Có chiều dài chưa đầy 170 km, điểm hẹp nhất rộng 33 km, nhưng eo hiển Hormuz lại là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của ngành năng lượng thế giới khi các tàu chở dầu của các quốc gia thuộc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đều phải đi qua đây. 

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ước tính năm 2018, mỗi ngày khoảng 21 triệu thùng dầu, trị giá gần 1,2 tỷ USD được vận chuyển qua eo biển này, tương đương gần 1/3 lượng dầu thế giới. Ngoài ra, lượng xăng vận chuyển qua eo biển này chiếm khoảng 21% tổng nhu cầu tiêu thụ của thế giới.

Sản lượng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày từ năm 2014 - 2018, theo số liệu của EIA. Ảnh: Marketwatch

Sản lượng dầu vận chuyển qua eo biển Hormuz mỗi ngày từ năm 2014 - 2018, theo số liệu của EIA. Ảnh: Marketwatch

"Bất kỳ cuộc đối đầu quân sự nào giữa Mỹ và Iran tại khu vực này cũng khiến dòng chảy dầu qua eo biển Hormuz bị gián đoạn, tác động tiêu cực tới ngành năng lượng và kinh tế toàn cầu", theo Reuters. Thực tế, những lần căng thẳng trước đây giữa Mỹ và Iran đã gây ra gián đoạn nhất định với thị trường này,nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Còn với căng thẳng leo thang lần này, các nhà phân tích của Công ty Esal Energy LLC (Mỹ) cảnhbáo "sẽ tác động tiêu cực tới giá dầu thô, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển dầu qua eo biển Hormuz". 

Đáng nói, các quốc gia hiện ít có sự lựa chọn đường vận chuyển nào khác ngoài eo biển Hormuz. Hiện hầu hết lượng dầu xuất khẩu mỗi ngày của các quốc gia trong OPEC như Iraq, Iran, Kuwait... đều phải đi qua đây.

Ngay hệ thống đường ống dẫn dầu thô ra khỏi khu vực vịnh Ba Tư tránh eo biển này của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia cũng chỉ chuyển được một phần sản lượng dầu sản xuất của hai quốc gia, khoảng 2,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Còn lại gần 4 triệu thùng vẫn phải vận chuyển bằng tàu qua eo biển Hormuz. 

Sau cái chết của tướng Soleimani, Iran đe doạ sẽ trả thù tàn khốc nhắm vào các mục tiêu của Mỹ trong khu vực Trung Đông, trong đó ám chỉ khả năng tấn công tàu chiến Mỹ đi qua eo biển Hormuz cũng như đóng cửa eo biển này. Nhưng giới phân tích nhận xét Iran khó có khả năng đơn phương làm vậy vì một phần eo biển này thuộc vùng lãnh hải của Oman. 

Trang Marketwatch cho rằng, sự hiện diện của Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ tại Bahrain có thể là thách thức không nhỏ đối với Iran nếu nước này muốn làm khó các tàu chở dầu muốn đi qua eo biển Hormuz. Trong thông tin vừa phát đi, Anh cho biết sẽ điều tới vịnh Ba Tư hai tàu chiến để bảo vệ tàu hàng đi qua eo biển Hormuz trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông gia tăng. 

Tổng thống Trump hôm nay cũng tuyên bố sẽ "tấn công nhanh và dữ dội" 52 mục tiêu quan trọng của Iran nếu nước này có hành động trả đũa Mỹ sau cái chết của tướng Soleimani. 

Anh Minh (theo Reuters, Marketwatch)

Let's block ads! (Why?)