Công ty có nhân viên Trung Quốc lo ứng phó dịch viêm phổi

Phần lớn các chuyên gia, nhân sự người Trung Quốc làm việc tại các doanh nghiệp chưa quay lại Việt Nam sau đợt nghỉ Tết do ảnh hưởng dịch viêm phổi Vũ Hán.

Ba ngày sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 10 chuyên gia người Trung Quốc làm việc tại một doanh nghiệp liên doanh sản xuất da giày với Đài Loan ở Hải Phòng chưa quay lại làm việc. "Họ chưa thể sang do lệnh cấm xuất cảnh của Chính phủ Trung Quốc, do ảnh hưởng dịch viêm phổi Vũ Hán tại nước này", chị Phương - phụ trách nhân sự cho biết.

Theo chị, việc thiếu vắng các chuyên gia nước ngoài không ảnh hưởng tới tình hình sản xuất, vì bộ phận quản đốc, quản lý trực tiếp là người Việt. Ngoài duy trì sản xuất bình thường, doanh nghiệp này cũng đưa ra nội quy đảm bảo sức khoẻ cho toàn bộ nhân viên. Tất cả các khối đều được yêu cầu đeo khẩu trang, sử dụng nước sát khuẩnđặt sẵn tại khu vực sản xuất, cửa ra vào... kiểm tra nhiệt độ cơ thể thường xuyên.  

Một phòng cách ly cũng được doanh nghiệp này chuẩn bị sẵn, dùng trong trường hợp các chuyên gia người Trung Quốc quay trở lại nhưng cần theo dõi sức khoẻ. 

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Kiểm tra thân nhiệt hành khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Giang Huy

Không riêng doanh nghiệp sản xuất da giày ở Hải Phòng, tương tự nhiều doanh nghiệp khác tại Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Hậu Giang hay TP HCM có nhân sự người Trung Quốc cũng áp dụng các chính sách bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người lao động. 

Hà Tĩnh có hơn 700 lao động người Trung Quốc, là công nhân các nhà thầu phụ làm việc tại Công ty gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Hiện có hơn 400 người đang về quê ăn Tết. Công ty đã phát thông báo, yêu cầu các nhân viên người Trung Quốc tạm thời chưa được quay trở lại các phân xưởng làm việc đến ngày 15/2.

Sau ngày này, nếu lao động muốn trở lại công ty phải có xác nhận sức khỏe tại nơi cư trú trong vòng 14 ngày không có biểu hiện của nhiễm virus corona. Trường hợp họ trở lại nhà máy bằng đường hàng không sẽ được kiểm tra thân nhiệt tại sân bay, còn nếu đi bằng tàu biển vào thẳng cảng Vũng Áng, các đội cơ động chống dịch của tỉnh sẽ lên tàu đo thân nhiệt trực tiếp mới được vào đất liền.

Còn theo lãnh đạo Công ty cổ phần Thép Hoà Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), trong số 308 lao động Trung Quốc đang làm việc tại dự án này có 60 người về nước ăn Tết và hiện chưa quay trở lại nhà máy vì lệnh cấm xuất cảnh của Chính phủ Trung Quốc do dịch viêm phổi.

Hiện nhà máy này đã lắp đặt 5 máy đo thân nhiệt tại tất cả các cổng ra vào, phun thuốc khử trùng, cấp phát khẩu trang y tế miễn phí cho tất cả cán bộ, nhân viên làm việc. Khu vực cách ly cho người nước ngoài trong thời điểm này cũng được doanh nghiệp này bố trí để tiện việc theo dõi, đo thân nhiệt thường xuyên và có biện pháp điều trị kịp thời nếu phát hiện trường hợp có triệu chứng nghi ngờ. 

"Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với ban quản lý khu công nghiệp, y tế địa phương để kịp thời xử lý nếu phát hiện người lao động có các triệu chứng nghi ngờ của bệnh nhằm hạn chế nguy cơ lây lan", đại diện doanh nghiệp này chia sẻ.

Trong khi đó một công ty giấy vốn FDI tại Hậu Giang cho biết đã sắp xếp cho nhân viên Trung Quốc nghỉ ở khu vực riêng biệt của ký túc xá. Nhóm nhân viên này được giám sát thân nhiệt trong vòng 14 ngày. Sau khoảng thời gian này, nếu sức khỏe bình thường sẽ quay trở lại làm việc. Công ty hiện có 103 lao động người Trung Quốc, chiếm chưa đến 10% tổng số lao động.

"Bên cạnh việc phổ cập kiến thức về phòng chống dịch bệnh, công ty cũng đã khuyến khích các nhân viên Trung Quốc dời lại vé máy bay, đồng ý kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán để họ ở nhà theo dõi tình trạng bệnh và bảo vệ sức khoẻ. Chúng tôi cũng xem xét giảm bớt sản lượng sản xuất để phù hợp với tình hình hiện tại, lấy sức khỏe của công nhân viên là ưu tiên hàng đầu", bảng tin phòng chống dịch của công ty này viết.

Với các lao động người Việt, công ty yêu cầu tất cả phải đeo khẩu trang xuyên suốt quá trình làm việc, hội họp, giao tiếp trao đổi công việc. Nhân viên được phát vitamin C uống hàng ngày và phải rửa tay bằng dung dịch khử trùng đã được bố trí tại các địa điểm thường xuyên tiếp xúc như: nhà ăn, khu kí túc xá, khu vực quẹt thẻ chấm công, nhà vệ sinh. Những nhân viên có thân nhiệt bất thường sẽ ngay lập tức được đưa đến bệnh viện để kiểm tra.

Tại văn phòng làm việc của Oppo Việt Nam ở TP HCM, đội ngũ người Việt đã quay trở lại làm việc bình thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, nhân sự người Trung Quốc được thông báo chưa được đến văn phòng, cho đến khi công ty có thông báo sau.

"Công ty cũng nhắc nhở mọi người các biện pháp phòng tránh cũng như khuyến cáo đến cuối tháng 3 nên tránh đến những nơi đông người, đeo khẩu trang khi cần thiết đặc biệt là trên tàu hỏa hoặc phương tiện giao thông công cộng", một nhân sự công ty cho hay.

Tương tự, tại Lazada, theo một nhân viên của công ty, các nhân sự người Trung Quốc đã được thông báo tạm thời chưa quay lại Việt Nam làm việc. Cùng với đó, các nhân viên tại Việt Nam cũng được khuyến cáo không nên đến Trung Quốc công tác hoặc du lịch cá nhân.

"Hiện tại, kể cả các thông tin liên quan đến viêm phổi Vũ Hán cũng không được phép chia sẻ trong các nhóm trò chuyện nội bộ vì ban giám đốc không muốn gây hoang mang dư luận, nhất là khi đang có những tin đồn thất thiệt tràn lan trên Internet", một nhân sự giấu tên của công ty nói.

Dịch viêm phổi do virus corona được khởi phát từ thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc từ đầu tháng 12, sau đó lan ra nhanh chóng. Trung Quốc ngày 1/2 thông báo số người chết do virus viêm phổi nCoV tăng lên 259, số người mắc viêm phổi lên 11.943.

Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch viêm phổi do nCoV đã lan đến 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Tại Việt Nam, có 6 ca nhiễm bệnh, 28 người đang được cách ly và 93 trường hợp khác đang nghi nhiễm. 

Dỹ Tùng - Minh Anh

Let's block ads! (Why?)