Thứ trưởng Xây dựng: 'Condotel cam kết lợi nhuận 15% là vô lý'

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12, Thứ trưởng Xây dựng Lê Quang Hùng nói, lợi nhuận condotel tối đa chỉ bằng lãi suất tiết kiệm. 

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vừa đón cú sốc khi chủ đầu tư dự án Cocobay (Đà Nẵng) chấm dứt chi trả lợi nhuận cam kết 12% một năm với condotel vì khó khăn tài chính. Trước đó, dự án condotel Bavico tại Nha Trang - đơn vị cam kết lợi nhuận tới 15% - phải đứng ra đàm phán mức cam kết xuống còn 8% và cuối cùng cũng không thể chi trả được cho nhà đầu tư.

Chia sẻ tại cuộc họp báo chính phủ chiều 2/12, ông Lê Quang Hùng nhận xét: "Mức cam kết lợi nhuận chi trả cho condotel mà 12-15% một năm là quá vô lý. Lợi nhuận condotel tối đa chỉ bằng lãi suất gửi tiết kiệm", 

Ngoài ra, theo ông, do cam kết lợi nhuận giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp là quan hệ dân sự, nên sự can thiệp thị trường của cơ quan quản lý "chỉ ở mức độ phù hợp". 

Ông Lê Công Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời tại họp báo chiều 2/12. Ảnh: Viết Tuân

Ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng trả lời tại họp báo chiều 2/12. Ảnh: Viết Tuân

Trước nguy cơ đổ vỡ loại hình kinh doanh bất động sản này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng 12 sẽ hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về condotel, theo Chỉ thị 11 của Thủ tướng. Cụ thể, Bộ Xây dựng được giao ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy chế vận hành condotel; Bộ Tài nguyên & Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cấp quyền sở hữu, quyền sử dụng đất cho condotel.

Khi được hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường bất động sản, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, từ năm 2017, bộ đã cảnh báo sự phát triển quá nóng của loại hình này. Năm 2018, bộ cũng đã lưu ý 63 tỉnh, thành trong thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó chú ý vấn đề chỉ tiêu dân số, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội... tránh biến loại hình này thành nhà ở. Nhờ đó, tỷ lệ cấp phép đầu tư condotel năm 2018 đã giảm hẳn so với giai đoạn trước đó.

Cơ quan này cho biết sẽ ban hành mẫu hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp condotel trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm người bán, người mua... tạo hành lang pháp lý cho condotel. Về phía các ngân hàng, ông Hùng cho rằng, cũng cần kiểm soát chặt nguồn tín dụng dành cho condotel.

Vướng mắc lớn nhất của condotel hiện nay, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thừa nhận, là chưa có hành lang pháp lý. Hiện Luật Du lịch quy định các loại hình lưu trú cơ sở du lịch như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch... Còn các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Đất đai chưa định danh loại hình kinh doanh này. Ngoài ra, chưa có quy định cấp quyền sở hữu, quản lý vận hành cho condotel. 

Condotel - căn hộ du lịch phát triển từ năm 2015, cao trào vào năm 2016-2017, và bắt đầu giảm nhiệt từ 2018 đến nay. Tổng số căn hộ condotel hiện nay trên thị trường khoảng 30.000 căn hộ. Năm 2019, dự án condotel được cấp phép giảm 8%, số giao dịch đã giảm một nửa so với thời kỳ nở rộ. "Việc giảm này do nhu cầu và thị trường tự điều tiết", ông Hùng nhận xét.

Tổ hợp nghỉ dưỡng và giải trí Cocobay có tổng diện tích 51 ha tại Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) được khởi động từ 5 năm trước với mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD. Dự án hứa hẹn triển khai khoảng 10.000 phòng tiêu chuẩn 3-5 sao, trong đó đa số là condotel. Tuy nhiên, đến nay chủ đầu tư mới đưa vào vận hành khoảng 3.000 phòng. Khi mở bán dự án, cam kết lợi nhuận được đưa ra là 12% mỗi năm - khi ấy được nhận định là rất cao. Có hơn 1.700 khách hàng đã mua condotel, shophouse tại dự án này.  

Empire Group - chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng tuyên bố dừng chi trả lợi nhuận với các shophouse, condotel từ đầu năm 2020 dù mới thực hiện hơn một phần tư thời hạn cam kết ban đầu.

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)