Nhà điều hành giảm một số lãi suất tiền gửi của các tổ chức tại Ngân hàng Nhà nước từ ngày 1/12, một động thái có thể giúp tăng cung tiền cho nền kinh tế.
Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng giảm 0,4 điểm phần trăm về mức 0,8% một năm và tiếp tục không trả lãi đối với khoản tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND.
Cụ thể, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND của các tổ chức tín dụng giảm 0,4 điểm phần trăm về mức 0,8% một năm và tiếp tục không trả lãi đối với khoản tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND. Điều này có ảnh hưởng, nhưng không đáng kể tới lợi nhuận của các nhà băng vì tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng hiện nay ở mức thấp, chỉ 3%.
Với tiền gửi ngoại tệ, nhà điều hành tiếp tục không tính lãi đối với khoản dự trữ bắt buộc, còn lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ giảm từ 0,5% xuống 0,05% một năm. Theo đó, việc giảm lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ làm giảm động lực gửi tiền của các ngân hàng thương mại tại Ngân hàng Nhà nước, có thể thúc đẩy vay mượn ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước quy định mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô là 0,8% một năm.
Mức lãi suất tiền gửi của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tại Ngân hàng Nhà nước, với tiền gửi bằng VND của Kho bạc Nhà nước là 1%. Lãi suất đối với tiền gửi bằng VND của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là 0,8% một năm. Bên cạnh đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giảm từ 0,5% xuống 0,05% một năm.
Động thái giảm một loạt lãi suất điều hành trên vừa được đưa ra trong bối cảnh trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần huy động lãi suất huy động và cho vay.
Quỳnh Trang