Khách Tây kể 7 điều người Việt khó chịu

Nếu vô tình trở thành người mở hàng, khách nước ngoài có thể bị chủ quán chỉ trích vì không mua gì.

Blogger Matthew Pike, đến từ Canada, bỏ việc từ ba năm trước và chuyển đến sống tại Sài Gòn. Từ đó anh đã có nhiều cuộc phiêu lưu kỳ thú và gặp nhiều người. Sống tại mảnh đất hình chữ S, Matthew nhận thấy người Việt rất thoải mái. "Ngay cả khi thấy người ngoài làm vài điều ngốc nghếch, họ cũng không quá khó chịu. Chỉ cần nở một nụ cười và xin lỗi chân thành là đủ". Tuy nhiên, để không lâm vào tình thế khó xử với người địa phương, Matthew cho rằng khách nước ngoài cần tránh những điều sau:

Mặc hở hang khi vào đền chùa

Người Việt có xu hướng mặc đồ kín đáo và tin rằng những người biết tự trọng không sử dụng trang phục quá khiêu gợi. Bạn sẽ không gặp rắc rối gì nếu mặc đồ ngắn tại những điểm du lịch, nhưng đừng làm vậy khi vào đền chùa. Không hở vai, không váy ngắn hay đồ bó chẽn.

Khách đến đền chùa tại Việt Nam cần lưu ý trang phục chỉn chu. Ảnh: Richard Liblanc/Flickr.

Khách đến đền chùa tại Việt Nam cần lưu ý trang phục chỉn chu. Ảnh: Richard Liblanc/Flickr.

Trả tiền mệnh giá lớn

Khi rút tiền ở ATM tại Việt Nam, bạn thường nhận được những tờ 500.000 đồng. Với những người Việt bán rong hay mở cửa hiệu nhỏ ven đường, đồng tiền này có thể là mức lương cả tuần của họ. Vì vậy, khi bạn cố trả tiền một gói bim bim 10.000 đồng bằng tờ 500.000 đồng, rất có thể người chủ sẽ không có đủ để trả lại tiền thừa cho bạn. Hãy cố gắng phá những tờ tiền mệnh giá lớn trong các cửa hàng tiện lợi hay hàng hiệu lớn.

Vung tiền

Nếu có thể bay từ đầu bên kia thế giới đến Việt Nam, chắc hẳn bạn rất giàu. Ai cũng biết điều đó, nên bạn không cần khoe tiền của mình. Một số người nước ngoài thích ném tiền "như rác", nhưng điều đó có thể xúc phạm người lao động Việt Nam, những người đang phải làm việc chăm chỉ hàng giờ để có lương.

Mở hàng nhưng không mua

Văn hóa của người Việt có nhiều phong tục và niềm tin kỳ lạ. Hầu như bạn sẽ được bỏ qua nếu làm điều gì không phải. Nhưng khi đi mua sắm, bạn vô tình là khách đầu tiên ghé thăm một cửa hàng mà bước ra tay không, người bán có thể sẽ dành cho bạn những lời lẽ nặng nề bằng tiếng Việt. Bởi điều này bị coi là điềm gở báo hiệu một ngày ế ẩm.

Thân mật chốn đông người

Bạn sẽ hiếm khi thấy một đôi tình nhân người Việt có cử chỉ gần gũi nơi công cộng. Bạn có thể nắm tay, nhưng ôm hôn nồng nhiệt thì hơi quá. Có thể không ai thù ghét, nhưng bạn chắc chắn sẽ nhận được vài ánh nhìn khó chịu.

Đi giày dép vào nhà

Điều này không khiến bạn bị phạt hay quở trách, nhưng nó là hành động bất lịch sự. Nếu đi cả giày dép vào nhà ai đó, bạn có thể đang truyền đi thông điệp rằng ngoài đường còn sạch hơn nhà họ. 

Thúc giục người khác

Thái Lan nổi tiếng với giờ Thái, nơi không ai vội vã. Mọi chuyện cũng tương tự tại Việt Nam. Nhưng điều khác biệt là bạn sẽ nhận lại nụ cười và vài cái nhún vai từ người Thái khi cố giục giã họ, còn người Việt có thể nổi cáu với lời hối thúc.

Bảo Ngọc (Theo Culture Trip)

Let's block ads! (Why?)