VN-Index trải qua một năm với xu hướng chính là giao dịch giằng co trong biên độ hẹp, phần lớn thời gian quanh ngưỡng 1.000 điểm.
Thị trường mở cửa phiên giao dịch cuối năm trong trạng thái giằng co, tăng giảm với biên độ hẹp quanh tham chiếu. Đến giữa phiên sáng, sắc đỏ lấy lại thế chủ động, đà giảm tăng dần theo thời gian.
Chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 0,42% xuống 960,99 điểm. VN30-Index giảm 0,14% còn hơn 879 điểm. Trên sàn Hà Nội, trạng thái có phần trái ngược khi HNX-Index và UPCOM-Index cùng giữ sắc xanh, với biên độ 0,34% và 0,89%.
VN-Index giảm trong phiên giao dịch cuối cùng năm 2019. Ảnh: VNDirect |
Sắc đỏ trong phiên giao dịch cuối năm cũng tương đồng với dự báo trước đó của các công ty chứng khoán. Tuy nhiên, nhịp độ thị trường không quá đột biến, thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức thấp.
Thanh khoản trên sàn HoSE chỉ đạt hơn 3.062 tỷ đồng, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận, giá trị khớp lệnh chỉ còn hơn 2.200 tỷ đồng, giảm gần 10% so với phiên hôm qua. Sắc đỏ vẫn là màu chủ đạo trên sàn niêm yết lớn nhất với 199 cổ phiếu giảm, trong khi chỉ có 137 cổ phiếu tăng. Trong nhóm VN30, số cổ phiếu giảm cũng gấp ba lần số tăng.
Cổ phiếu ROS giảm sàn phiên thứ tư liên tiếp, với thanh khoản hơn 20 triệu cổ phiếu được sang tay. Trong nhóm còn lại, CTD giảm 3%, GAS giảm 2,8%, REE, MSN, BVH và VRE đều giảm trên 1%. Ở chiều ngược lại, HDB đứng đầu đà tăng trong nhóm VN30 với 2,4%, VPB, VJC, NVL tăng trên 1%.
Diễn biến VN-Index trong năm 2019. Ảnh: Trading View |
Tính chung cả năm, VN-Index tăng gần 6,8% so với mức mở cửa phiên giao dịch đầu tiên (ngày 2/1/2019).
Đà tăng của thị trường chủ yếu do đợt giảm mạnh cuối tháng 12/2018. Nếu bỏ qua dao động bất thường này và nhìn trong khung thời gian dài hơn, diễn biến chính của VN-Index trong năm 2019 là đi ngang, trồi sụt quanh ngưỡng 1.000 điểm. Cuối năm, thị trường thậm chí còn lùi về dưới mức 950 điểm. Thanh khoản thị trường cũng giảm gần 30% so với năm trước, với xu hướng giao dịch thận trọng của nhà đầu tư và sự rút lui của dòng tiền lớn.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), năm 2019, VN-Index vẫn ghi nhận mức tăng nhưng không có nhiều nhà đầu tư có thành tích khả quan.
Đà tăng trưởng cao về lợi nhuận trong năm 2017-2018 ở nhiều nhóm ngành/cổ phiếu lớn bị ngắt quãng bởi năm 2019 đã làm giảm phần nào sự hào hứng của nhà đầu tư trong nước. Thêm vào đó, những bất ổn từ chiến tranh thương mại toàn cầu, sự phục hồi của các nền kinh tế phát triển (bao gồm Mỹ), khiến dòng tiền lớn trở nên thận trọng hơn với các thị trường mới nổi như Việt Nam, góp phần thêm vào bức tranh kém sắc của ngành.
Minh Sơn