Văn hóa khỏa thân ở Đức trong mắt du khách

Đức Một người đàn ông đang đạp xe bên bờ hồ tại Berlin, đột nhiên cởi quần áo và nhảy xuống nước - nhưng không ai lấy làm ngạc nhiên.

Cảnh tượng ấy diễn ra trước mắt Rachel Loxton, đến từ Scotland. Mặc dù không hề bất ngờ, cô vẫn cần thời gian để kịp làm quen với văn hóa này của người Đức. 

"Tôi đến từ Scotland, giống nhiều nơi khác trên khắp nước Anh, người dân có tư tưởng truyền thống hơn. Nếu ai đó được trông thấy đang khỏa thân ở nơi công cộng, họ có thể bị coi như một kẻ trụy lạc. Điều này không hề bình thường với chúng tôi", Rachel nói. Do đó, cô vẫn xấu hổ khi nhìn thấy những người không quần áo trong phòng xông hơi hoặc trên bãi biển.

Annegret Staiger, nhà nghiên cứu nhân chủng học tại Đại học Clarkson (New York, Mỹ), cho biết: "Đối với các nước nói tiếng Anh, người dân có quan điểm cá nhân về cơ thể con người hoàn toàn khác so với Đức, Bulgari, Pháp hay Áo".

Dù ngày nay văn hoá khoả thân đang dần biến mất trong giới trẻ, nhiều bãi biển vẫn còn những khu vực được đánh dấu FKK, nơi người dân và du khách được thoải mái nude. Ảnh: B. Pedersen.

Dù ngày nay văn hoá khoả thân đang dần biến mất trong giới trẻ, nhiều bãi biển vẫn còn những khu vực được đánh dấu FKK, nơi người dân và du khách được thoải mái nude. Ảnh: B. Pedersen.

Văn hóa khỏa thân, Freikörperkultur (FKK), đã tồn tại lâu đời ở Đức. Từ cuối thế kỷ 19, rất nhiều người dân nước này tin rằng không mặc quần áo - dù là đồ lót, khi bơi lội sẽ có lợi cho sức khỏe. Tổ chức về FKK đầu tiên ở Đức được thành lập năm 1898, hướng tới việc chăm sóc và cải thiện sức khỏe. Sau đó văn hoá này nhanh chóng phổ biến ở các vùng lân cận Berlin, vùng biển Bắc và biển Baltic. Ngày nay du khách được phép để mình trần tại nhiều khu vực tắm suối khoáng, xông hơi hay trung tâm chăm sóc sức khỏe cũng như bãi biển. 

Rachel Loxton chưa từng nghĩ tới chuyện cởi bỏ hết quần áo tại nơi công cộng, cho tới khi cô tới Berlin. Rachel học tiếng Đức và phát hiện ra đó là một nét văn hóa tiêu biểu của người Đức.

"Tôi đã phải rất can đảm để bắt chước những người khác, và sau đó tôi đã thành công. Sau nhiều năm che giấu khuyết điểm của cơ thể, tôi thấy thật tuyệt khi nằm không mảnh vải trên tấm ván gỗ của phòng xông hơi và cảm nhận sự thoải mái đến từ sức nóng đang tác động vào da mình", Rachel bày tỏ.

Trong một thời gian dài, cô đã phải chiến đấu với những mặc cảm về cơ thể, ăn kiêng để điều chỉnh cân nặng sau dậy thì. Nhưng ở Đức, cô nhận thấy mọi người với mọi vóc dáng đều cảm thấy thoải mái khi trút bỏ trang phục. "Về cơ bản, văn hóa này khác với nền văn hóa nơi mà tôi lớn lên, không hề liên quan đến tình dục và cũng không hướng đến vẻ ngoài", Rachel nói.

Khách không được phép mặc đồ bơi hay đồ lót trong phòng xông hơi tại Đức. Ảnh: B. Weißbrod.

Khách không được phép mặc đồ bơi hay đồ lót trong phòng xông hơi tại Đức. Ảnh: B. Weißbrod.

Gregor Gysi, một chính trị gia, đồng tình với Rachel: "Đến bãi biển được đánh dấu FKK, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra bạn không hề gợi tình. Nếu mặc một bộ bikini, bạn trông còn gợi cảm hơn. Tôi cho rằng văn hóa khỏa thân có ý nghĩa hoàn toàn trái ngược với những quảng cáo khiêu dâm hay quan điểm chung của xã hội".

Tuy nhiên, những người yêu thích FKK cũng lo lắng tới các lệnh cấm khỏa thân nơi công cộng. Trước sự suy giảm của nét văn hóa này tại Đức, Gregor Gysi đề xuất cần có thêm các khu vực được chỉ định cho người tắm tiên.

Xu hướng mang tính tự nhiên này mang thông điệp rằng con người hãy tự tin với cơ thể của mình, mọi người đều bình đẳng. Là một người ngoại quốc, Rachel cảm thấy FKK là điều đặc biệt với mình. Cô thích sống trong một đất nước nơi những người già tắm tiên, bạn bè mình trần tắm nắng hay tập yoga mà không mảnh vải che thân: "Chẳng ai quan tâm bạn trông thế nào. Chỉ có cơ thể trần trụi này - mà mỗi người trong chúng ta đều như vậy".

Doãn Hào (Theo DW)

Let's block ads! (Why?)