'Đừng đánh giá lãnh đạo tỉnh bằng chỉ số tăng GDP'

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, chỉ số tăng GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo địa phương. 

Bàn về kinh tế xã hội tại phiên thảo luận trực tiếp sáng 31/10, ông Trương Trọng Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần đánh giá đúng về chỉ số tăng trưởng GDP. 

Ông Nghĩa ví dụ, ở các địa phương, vùng phên dậu cả nước cần bảo vệ môi trường thì chỉ số đánh giá năng lực lãnh đạo không thể bằng con số tăng trưởng GDP bao nhiêu phần trăm.

"Nếu không sẽ dẫn tới chuyện chạy theo con số đo đếm bằng tiền, tăng trưởng bằng mọi cách như đổ vốn vào làm các dự án lớn, không quan tâm tới nhiệm vụ chính. GDP tăng 5-7% mà người dân phải bỏ địa phương để đi, không sinh sống được thì lãnh dạo địa phương là không hoàn thành nhiệm vụ", ông Nghĩa nói.

Đại biểu TP HCM cho rằng, Việt Nam đã có hệ thống phân bổ nguồn lực, những địa phương phát triển thuận lợi kinh tế thì phải san sẻ cho nơi khác. Do đó, để phát triển bền vững, ông cho rằng, Việt Nam cần xoay lại trục hướng vào 3 trụ cột là văn hoá, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản. Cùng đó, định hướng lại phương pháp luận đánh giá GDP, nếu không sẽ dẫn tới những "cuộc chạy đua chệch hướng". 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Gia Hân

Ấn tượng với mức tăng trưởng cao – GDP 6,8% song ông Trần Hoàng Ngân (TP HCM) – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM lưu ý sự phụ thuộc vào khối doanh nghiệp ngoại.

Theo ông, khu vực này đang chiếm tới 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phần nào lý giải nguyên nhân do dự báo của các cơ quan quản lý "luôn là nhập siêu, nhưng thực tế lại xuất siêu".

Trước diễn biến này, ông đề nghị, Chính phủ cần quan tâm hơn tới thị trường trong nước, với 96 triệu dân. Và việc thu hút vốn FDI tới đây phải ưu tiên yếu tố an ninh quốc phòng, công nghệ... như Nghị quyết của Bộ Chính trị đã nêu.

Phát biểu tại phiên thảo luận ngày 30/10, ông Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng cho rằng, việc thu hút FDI một cách chọn lọc là cần thiết. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm chỉ tiêu đánh giá để nhìn nhận sát đúng hơn tình hình và có giải pháp phù hợp. 

Ông Hàm đề nghị Quốc hội, ngoài giao chỉ tiêu GDP như trước đây cần giao thêm chỉ tiêu GNI - thu nhập quốc dân, để phản ánh nội lực thực sự của nền kinh tế, thu nhập của người dân.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cũng chỉ ra "khoảng tối trên nền bức tranh kinh tế xã hội toàn cảnh có phần sáng sủa" trong báo cáo của Chính phủ.

Ông chỉ ra loạt tồn tại, như việc trầy trật triển khai thu phí tự động tại các trạm BOT giao thông; vụ Công ty Alibaba lừa đảo với số nạn nhân lên tới hàng nghìn người mà bộ máy chính quyền theo ông là "vẫn ngơ ngác, thất thủ"; hay vụ cháy cơ sở Rạng Đông, hàng triệu người Hà Nội lao đao vì nước sạch...

"Những điểm tối tuy không che lấp được nhưng làm xấu bức tranh sáng sủa những thành tựu tích cực Chính phủ, người dân phấn đấu, khoét sâu hơn nữa sự mất mát, lòng tin của vốn chưa phục hồi của người dân với năng lực Nhà nước ‘của dân, vì dân’", ông Quốc nhấn mạnh.

Nguyễn Hoài

Let's block ads! (Why?)