Trong các cuộc họp với Mỹ vài tuần gần đây, quan chức cấp cao Trung Quốc thông báo số vấn đề họ sẵn sàng đàm phán giảm đáng kể.
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc - người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc - đã nói với quan chức Mỹ rằng tuần này, ông sẽ đem đến Washington một đề xuất không bao gồm các cam kết về cải tổ chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ. Trong khi đây vốn là mục tiêu phàn nàn lâu nay của Mỹ.
Điều này có nghĩa một trong những yêu cầu chủ chốt của chính quyền Trump sẽ bị loại khỏi bàn đàm phán. Giới phân tích cho rằng đây là tín hiệu Trung Quốc đang mạnh tay hơn trong bối cảnh Tổng thống Mỹ đối mặt với cuộc khủng hoảng luận tội và doanh nghiệp đổ lỗi cho cuộc chiến thương mại khiến kinh tế Mỹ chậm lại.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer trong cuộc gặp tháng 7. Ảnh: Reuters |
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận với chính phủ Mỹ cho biết cuộc điều tra luận tội sẽ không ảnh hưởng đến đàm phán thương mại với Trung Quốc. Dù vậy, Jude Blanchette - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Quốc tế học và Chiến lược cho rằng lãnh đạo Trung Quốc "đang coi việc luận tội là dấu hiệu vị thế của Trump yếu đi". "Tính toán của họ là Trump cần một chiến thắng và sẵn sàng nhượng bộ", ông nói.
Tuy nhiên, Trump đến nay vẫn khẳng định chỉ hài lòng với một thỏa thuận toàn diện với Trung Quốc. Các nguồn tin thân cận với ông cho biết ông vẫn giữ lập trường này.
"Hiện tại, chúng ta đang trong giai đoạn quan trọng trong việc đạt thỏa thuận. Chúng ta đang đàm phán một thỏa thuận rất cứng rắn. Nếu nó không có lợi 100% cho Mỹ, chúng ta sẽ không chấp nhận", ông cho biết trước báo giới cuối tuần trước.
Thứ năm tuần này (10/10), Mỹ và Trung Quốc dự kiến có cuộc đàm phán cấp cao tại Washington. Hoạt động này bị gián đoạn hồi đầu năm, do bất đồng về khả năng đạt thỏa thuận thương mại.
Đến nay, rất ít người kỳ vọng Trung Quốc sẽ từ bỏ mô hình kinh tế để đạt thỏa thuận với Mỹ. Một bản thảo thỏa thuận hồi tháng 4, trước khi việc đàm phán đổ bể, cho thấy Trung Quốc gần như không đưa ra cam kết đáng kể nào về việc từ bỏ một số chính sách công nghiệp. Nó cũng thiếu mốc thời gian cho việc Bắc Kinh gỡ bỏ trợ cấp trongkế hoạch Made in China 2025.
Hà Thu (theo Bloomberg)