Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba nhận xét Việt Nam là thị trường ưu tiên của nhiều doanh nghiệp Mỹ muốn mua hàng chất lượng, giá cạnh tranh.
"Chi nhánh Mỹ của Alibaba.com đang tích cực nâng cao nhận biết về các nhà cung cấp Việt Nam trên toàn nền tảng", ông John Caplan - Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba nói tại Diễn đàn "Go Export" diễn ra chiều 31/10 ở TP HCM.
Thực tế, số liệu của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, tình hình xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ vẫn đang phát triển tốt. 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 44,65 tỷ USD, tăng 27,6% so với cùng kỳ 2018. Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 22,9% tổng kim ngạch.
Ông John Caplan - Giám đốc bộ phận B2B khu vực Bắc Mỹ của Alibaba tại sự kiện. Ảnh: Go Export |
Ông John Caplan nói thêm rằng, với việc xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng cao qua các năm, các doanh nghiệp đang có một cơ hội to lớn nếu nắm bắt đúng nhu cầu thực sự của nhà mua hàng.
Theo đó, 7 nhu cầu quan trọng nhất bao gồm: chất lượng; năng lực sản xuất; giá cả; số lượng; giao dịch thuận tiện; độ tin cậy và tốc độ. "Giá cả không phải là yếu tố đầu tiên mà người thu mua cân nhắc", ông nhấn mạnh.
Vào Việt Nam tròn 10 năm, đến nay Alibaba.com đang có 5 đại lý ủy quyền tại đây. Theo thống kê, top 3 mặt hàng xuất khẩu 'hot' nhất của các doanh nghiệp Việt trên nền tảng này là thực phẩm - đồ uống; nhà cửa - vườn tược và nông nghiệp.
Ông Zhang Kuo - Tổng giám đốc Alibaba.com cho rằng, trước vị thế phát triển kinh tế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có năng lực sản xuất lớn, với hơn 500.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất ít trong số này tham gia thương mại toàn cầu qua những kênh kỹ thuật số.
"Việt Nam nắm giữ lợi thế lớn trong nhiều hạng mục như lực lượng lao động lành nghề, sản phẩm chất lượng cao và giá cả cạnh tranh. Vì thế, chúng tôi tin rằng Việt Nam còn nhiều tiềm năng rất lớn để xuất khẩu, từ đó tập trung vào hoạt động B2B tại Việt Nam", ông nói.
Thị trường B2B toàn cầu đang có quy mô 23.900 tỷ USD, gấp 6 lần thị trường B2C. Đây là thị trường vô cùng lớn nhưng cũng vô cùng phức tạp. Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số thuộc Bộ Công thương, việc xuất khẩu qua thương mại điện tử đang là xu thế tất yếu vì hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, thách thức cũng đi kèm.
"Song song với cơ hội là các thách thức về phương thức kinh doanh mới, nền tảng công nghệ và nhân lực số. Tôi cho đó là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam", bà Huyền nhận định.
Theo một số doanh nghiệp đã xuất khẩu qua thương mại điện tử, nếu vượt qua được các thách thức và làm quen với môi trường buôn bán toàn cầu thì hiệu quả mang lại cũng không nhỏ.
Chị Trần Bảo Ngọc - Chủ sở hữu M.i.i.n Eyelash, một công ty sản xuất lông mi nhân tạo, nói rằng mỗi tháng nhận được hàng trăm đơn hỏi hàng. Hai năm bán buôn qua mạng, công ty chị từ 20 công nhân nay đã có 100 người tại Bình Dương, 100 công nhân tại Buôn Ma Thuộc và dự định mở thêm 2 nhà xưởng.
"Mở shop hay tham gia triển lãm cũng giới hạn vùng tiếp cận chứ không thể tiếp cận các khách hàng bên kia địa cầu. Vấn đề ở đây là có sản phẩm tốt thì việc còn lại là tìm đúng công cụ để mọi người biết đến bạn", chị Ngọc nói khi tham gia vào cuộc chơi thì phải xác định mình như chưa bao giờ ngủ. "Khách hàng hỏi thì phải trả lời nhanh nhất có thể. Đó là mấu chốt của thương mại điện tử", chị nêu.
Ông Joey Zhu, Giám đốc Alibaba.com Việt Nam nói 2019 là năm đặc biệt để đầu tư phát triển tại thị trường này. Ông cho biết nền tảng đã giúp hàng nghìn công ty ở Việt Nam phát triển kinh doanh nhưng không nêu con số cụ thể.
"Tôi nghĩ tiềm năng ở Việt Nam là khổng lồ. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet đã thay đổi rất nhiều đến đời sống và kinh doanh. Nhờ có nó, việc kết nối khách hàng giờ không có giới hạn về thời gian, địa lý và thậm chí là ngôn ngữ ", ông Joey Zhu nói nền tảng đang giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ kết nối với thị trường bạn hàng hơn 190 quốc gia.
Viễn Thông