Trung Quốc Lợi nhuận các ngành hàng không, bất động sản, điện tử gia dụng giảm mạnh nửa đầu năm do căng thẳng thương mại với Mỹ kéo dài.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn một năm và chưa có dấu hiệu sớm được giải quyết. Hôm 1/9, đòn thuế mới nhất của Mỹ và Trung Quốc áp lên nhau tác động lên hàng loạt ngành công nghiệp, từ may mặc, giày dép đến dầu thô.
Dù vậy, từ trước đó, rất nhiều lĩnh vực tại Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại kéo dài. Theo số liệu của Reuters, nửa đầu năm nay, lợi nhuận công nghiệp và vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh. Lợi nhuận công nghiệp đã chậm lại kể từ nửa cuối năm 2018, do tăng trưởng kinh tế xuống thấp nhất gần 30 năm.
Vốn ngoại chảy vào Trung Quốc giai đoạn tháng 1- tháng 8/2019 thông qua chương trình liên kết với Hong Kong vào khoảng 120 tỷ nhân dân tệ (16,92 tỷ USD). Con số này cao hơn cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ bằng một phần 600 tỷ USD mà Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc kỳ vọng cho năm nay.
Vốn ngoại vào thị trường chứng khoán Trung Quốc qua kênh liên kết với Hong Kong từ tháng 11/2018. |
Cổ phiếu các công ty sản xuất máy móc, đồ điện tử và đồ gia dụng đang chịu áp lực bán, do được coi là các doanh nghiệp chịu tổn thương vì căng thẳng thương mại, do phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Lợi nhuận hãng sản xuất màn hình OLED BOE Technology giảm đến 44% nửa đầu năm. Họ cho biết đang phải đối mặt với các thách thức rất nghiêm trọng, do căng thẳng thương mại và tình hình kinh doanh toàn ngành đi xuống.
Nhân dân tệ xuống đáy 11 năm so với đôla Mỹ vì chiến tranh thương mại cũng khiến các công ty nhạy cảm với tỷ giá chịu ảnh hưởng, trong đó có các hãng hàng không và bất động sản. Chỉ số CSI Real Estate giảm 7,1% trong tháng 8, do nhân dân tệ yếu khiến bất động sản kém hấp dẫn với nhà đầu tư ngoại.
Các hãng hàng không lớn cũng báo lỗ nửa năm đầu, do nhân dân tệ yếu ăn mòn lợi nhuận. Các hãng này phải trả khối nợ lớn niêm yết bằng đồng đôla.
Chỉ số theo dõi ngành hàng không, bất động sản và máy móc Trung Quốc diễn biến dưới trung bình thị trường (SSEC). |
Các hãng tiêu dùng Trung Quốc nằm trong nhóm có hoạt động kinh doanh tốt, do Bắc Kinh tung nhiều biện pháp kích cầu nội địa, từ giảm thuế đến giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng. Lợi nhuận hãng rượu Kweichow Moutai tăng 27% nửa đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái.
Cổ phiếu các hãng công nghệ cũng tăng giá, do Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy tự chủ công nghệ, đặc biệt sau khi Mỹ áp lệnh hạn chế kinh doanh với Huawei Technologies vài tháng trước. Trung Quốc gần đây ra mắt sàn giao dịch mới cho các hãng công nghệ, theo mô hình sàn Nasdaq của Mỹ. Tính chung nửa đầu năm, các hãng công nghệ hàng đầu, đặc biệt là các công ty trong chuỗi cung ứng 5G, có lợi nhuận tăng mạnh.
Hà Thu (theo Reuters)