Nội tệ Trung Quốc đã mất giá 3,9% tháng này - mạnh nhất kể từ tháng 1/1994, khi cơ chế điều hành tỷ giá mới được áp dụng.
Đồng nhân dân tệ tháng này đổi một USD lần đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính, do căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang. Các tín hiệu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và nhà đầu tư dự báo nước này tăng nới lỏng tiền tệ càng khiến nhân dân tệ giảm sâu. Bloomberg cho rằng đồng tiền này đang hướng đến tháng mất giá kỷ lục.
Dariusz Kowalczyk - chiến lược gia các thị trường mới nổi tại Credit Agricole hôm qua nhận định khi quá trình đàm phán thương mại không có tín hiệu tiến triển rõ ràng, "triển vọng sẽ ngày càng đi xuống, với cả kinh tế Trung Quốc và các thị trường". Ông dự báo nhân dân tệ có thể giảm về 7,3 CNY đổi một USD trong ngắn hạn.
Đồng 100 nhân dân tệ của Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Hôm qua (26/8), nhân dân tệ xuống thấp nhất kể từ tháng 2/2008, vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính phủ Trung Quốc tung đòn thuế mới lên nhau. Bank of America Merrill Lynch cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể cho phép nhân dân tệ xuống 7,5 CNY đổi một USD cuối năm nay, để bù đắp tác động của thuế nhập khẩu. Sáng nay, đồng tiền này mất 0,14%, về 7,1621 CNY một USD tại thị trường Trung Quốc.
Nhân dân tệ không chỉ yếu đi so với đồng bạc xanh, mà hiện còn ở mức thấp kỷ lục so với rổ tiền tệ khác. Một chỉ số được Bloomberg theo dõi, đo sức mạnh của nhân dân tệ với đồng tiền của 24 đối tác thương mại, đã xuống thấp nhất kể từ năm 2015.
Dù vậy, có nhiều dấu hiệu cho thấy PBOC ngày càng không hài lòng với đà giảm của CNY. Hôm nay, họ thiết lập tỷ giá tham chiếu ở 7,081 CNY một USD - mạnh hơn dự báo phiên thứ 5 liên tiếp. Nhân dân tệ yếu đi có thể châm ngòi cho dòng vốn rút khỏi Trung Quốc, khiến đồng tiền này càng giảm sâu. Kịch bản này sẽ dẫn đến bất ổn tài chính.
Giới phân tích cho rằng PBOC có thể kiềm chế đà giảm của nhân dân tệ nếu muốn. Bắc Kinh được kỳ vọng phát thông điệp cảnh báo hoặc can thiệp trực tiếp bằng cách bán đôla Mỹ.
Hà Thu (theo Bloomberg/CNBC)