Chiến lược quốc gia về Cách mạng 4.0 đặt mục tiêu có 5 công ty công nghệ giá trị 1 tỷ USD vào 2025 và tăng gấp đôi vào 2030.
Bộ Kế hoạch & Đầu tư vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đến năm 2030.
Theo chiến lược này, đến năm 2025, Việt Nam phải có ít nhất 5 công ty công nghệ giá trị trên 1 tỷ USD và tăng gấp đôi vào năm 2030. Tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng một trong các công nghệ đặc trưng của CMCN 4.0 đạt ít nhất 20% vào năm 2025 và tăng lên 40% trong 5 năm tiếp theo.
Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển đạt ít nhất 2% GDP đến năm 2030, qua đó đưa Việt Nam nằm trong nhóm 30 nước dẫn đầu về sáng chế trong các lĩnh vực công nghệ và thấp nhất là vị trí 30 về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu. Các lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi công nghệ là hành chính công, điện nước, y tế, giáo dục, chế tạo, nông nghiệp, logistics, thương mại, thông tin truyền thông và tài chính ngân hàng.
Robot ABB (Thụy Sĩ) bốc xếp trong một nhà máy bia Việt Nam. Ảnh: Viễn Thông. |
Định hướng lớn là Việt Nam sẽ phát triển CMCN 4.0 gồm áp dụng công nghệ trong xây dựng Chính phủ điện tử; nâng cấp và chuyển đổi hệ thống sản xuất kinh doanh hiện tại để tối ưu phân bổ nguồn lực; đầu tư, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến lập Ủy ban quốc gia về Cách mạng công nghiệp 4.0 và kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và đổi tên thành Ban chỉ đạo quốc gia về Tăng trưởng và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Việt Nam được đánh giá có mức độ sẵn sàng tham gia CMCN 4.0 khá thấp. Lý do là hệ thống thể chế, pháp luật về kinh doanh có nhiều điểm không phù hợp với nhu cầu đổi mới, sáng tạo. Việc ứng dụng các công nghệ đặc trưng như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, chuỗi khối, dữ liệu lớn... vào sản xuất kinh doanh còn chậm và gặp nhiều rào cản.
Trước Việt Nam, nhiều nước trong khu vực đã xây dựng chính sách về phát triển CMCN 4.0. Năm 2015, Trung Quốc ban hành chiến lược Made in China 2025 với mục tiêu trọng tâm là tập trung phát triển năng lực nghiên cứu phát triển và sản xuất trong các ngành chế tạo. Năm 2017, Thái Lan công bố chính sách Thailand 4.0 để tập trung vào các sản phẩm sáng tạo công nghệ cao nhưng cần hỗ trợ và đầu tư như chế tạo ôtô, điện tử thông minh, nông nghiệp, công nghệ sinh học...
Gần đây nhất vào năm 2018, Malaysia ban hành chiến lược My-i4.0, trong đó tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 trong ba ngành công nghiệp xúc tác (điện và điện tử, máy móc và thiết bị, hóa chất) và 2 ngành công nghiệp có nhiều tiềm năng (không gian và thiết bị y tế).
Phương Đông