Nhiều nhân viên ra ngoài uống bia hoặc dùng máy tính công ty tìm việc khác, còn các lãnh đạo không mấy quan tâm.
Bên trong toà nhà số 60 Wall Street, trụ sở tại Mỹ của ngân hàng Deutsche Bank (Đức), dấu hiệu rắc rối xuất hiện khắp mọi nơi. Trên tầng 46, những chiếc hộp nâu chất đầy văn phòng lãnh đạo. Còn ở sàn giao dịch bên dưới, các chỗ ngồi gần như trống trơn dù là giữa buổi sáng. Màn hình máy tính tối đen. Một số được bật lên, nhưng là để tìm việc tại các ngân hàng khác. Các lãnh đạo đều biết tình hình này, nhưng chẳng mấy quan tâm.
Dù là ngày đi làm, các nhân viên giao dịch của Deutsche Bank Mỹ vẫn đến uống bia ở một quán gần đó, lúc 1h chiều. Một số nhân viên kỳ cựu hơn thì đến Cipriani - nơi có loại cocktail bellini nổi tiếng. Tất cả nhân lực ở Deutsche Bank New York, từ lãnh đạo đến nhân viên, đều cảm nhận được sẽ còn nhiều tin xấu nữa đến từ Frankfurt.
Hoạt động tại Wall Street từng là biểu tượng cho tham vọng của đại gia ngân hàng Đức - cạnh tranh trực diện với ngành tài chính Mỹ trên chính sân nhà của họ. Dù vậy, những năm gần đây, chi nhánh này đang trở thành nguồn rắc rối về pháp lý và chính trị, thậm chí đánh mất sân chơi và nhân lực về tay các đối thủ.
Bên ngoài trụ sở của Deutsche Bank tại Mỹ. Ảnh: Bloomberg |
Bloomberg trích lời một nguồn tin thân cận cho biết Deutsche Bank đang lên kế hoạch thông báo cho hàng trăm nhân sự tại mảng giao dịch của Mỹ rằng họ sẽ bị sa thải. CEO Deutsche Bank Christian Sewing có thể công bố kế hoạch cải tổ lớn trong tuần này, với việc sa thải khoảng 20.000 nhân viên trên toàn cầu. Sau khủng hoảng tài chính, trong khi các nhà băng Mỹ ngày càng tăng trưởng, các ngân hàng châu Âu lại vẫn chật vật.
Tin tức rò rỉ về khả năng cắt giảm nhân lực đã khiến nhiều nhân viên tại Mỹ tức giận. Còn với các lãnh đạo chi nhánh tại Mỹ, hơn một năm nay, họ đã phải sống trong cảnh không biết mảng này sẽ bị bán đi, xóa bỏ hay tách riêng.
Sewing cũng nhiều lần tuyên bố sẽ gắn bó với nhà băng, sau khi nhậm chức CEO năm ngoái. Tuy nhiên, tân CEO dường như vẫn đang chật vật khôi phục niềm tin nhà đầu tư và giới chức vào khả năng sinh lời của ngân hàng này. Sau kế hoạch sáp nhập thất bại với Commerzbank, các cổ đông đang hối thúc nhà băng cải tổ. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo đã không thể chờ điều đó diễn ra.
Peter Selman - lãnh đạo mảng chứng khoán của Deutsche Bank là một trong những người như thế. Zia Huque - giám đốc mảng chứng khoán của Deutsche Bank Mỹ đã không đi làm nhiều tuần nay. Tom Patrick - người gia nhập ngân hàng một thập kỷ trước và hiện chịu trách nhiệm quan hệ với Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có vẻ cũng đang đóng gói đồ đạc. Vì vậy, trách nhiệm cải tổ chi nhánh này giờ chỉ còn trông cậy vào Ashley Wilson - đồng giám đốc mảng giao dịch cổ phiếu.
Nhiều nhân viên giao dịch lâu năm đã nghỉ việc. Hàng chục lãnh đạo cấp trung cũng vậy. Một số giám đốc người Mỹ cho biết nhiều năm qua, họ đã đề nghị giảm quy mô mảng giao dịch để cải thiện lợi nhuận. Khi ra đi, họ than thở các lãnh đạo cấp cao đã không nghe theo lời khuyên của mình.
Tuần trước, chi nhánh tại Mỹ nhận được tin tích cực, là vượt qua kỳ đánh giá của Fed. Sewing gửi thư cho nhân viên, gọi đây là một "bước tiến lớn". Dù vậy, cảm giác chiến thắng không kéo dài. Chỉ vài giờ sau, hàng loạt thông tin về đợt sa thải nhân sự tại Mỹ xuất hiện.
Deutsche Bank đã thông báo trong 2 năm nữa sẽ rời tòa tháp ở 60 Wall Street - nơi họ gắn bó từ đầu những năm 2000. Còn với các nhân viên của nhà băng, câu hỏi họ quan tâm chỉ là có bao nhiêu người trong số họ sẽ phải rời Phố Wall.
Hà Thu (theo Bloomberg)