Từ 1/8, 4 ngân hàng quốc doanh lớn đồng loạt hạ 0,5-1% lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, khởi nghiệp, công nghệ cao.
Đồng loạt 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước thông báo hạ lãi suất cho vay một số lĩnh vực ưu tiên về 5,5% một năm, thời gian ưu đãi từ ngày 1/8 đến 31/12/2019. Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) giảm 1% lãi suất với khoản vay ngắn hạn tiền đồng cho 5 lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và cho vay khởi nghiệp. Theo Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được áp dụng với 38% dư nợ cho vay ngắn hạn và chiếm khoảng 20% tổng dư nợ cho vay bằng tiền đồng.
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay với khách hàng có phương án kinh doanh hàng xuất khẩu, ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngoài ra, BIDV cũng có hai gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 0,5% so với hiện nay. Trong đó, gói tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với quy mô 60.000 tỷ đồng và gói vay ngắn hạn dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ, khởi nghiệp với quy mô 10.000 tỷ đồng.
Ngân hàng Công Thương (VietinBank) hạ lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) cũng giảm 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Mức lãi suất hiện thấp hơn 0,75-1% so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Giao dịch tại quầy một ngân hàng thương mại. Ảnh: Lệ Chi |
Ngoài khối quốc doanh, nhóm cổ phần cũng có điều chỉnh lãi suất. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết giảm 1% lãi suất vay tín chấp và 0,5% với các khoản vay đảm bảo kỳ hạn ngắn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Thời gian ưu đãi cũng từ 1/9 đến cuối năm 2019. Còn Ngân hàng Á Châu (ACB) có gói tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 3.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5% mỗi năm.
Động thái trên được các ngân hàng thực hiện đồng loạt trong bối cảnh cơ quan điều hành vừa cắt giảm 0,25% lãi suất tín phiếu, từ mức 3% về 2,75%. Động thái này được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một biện pháp "nới lỏng tiền tệ".
Theo quan điểm của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc này về lý thuyết, có thể phần nào giúp khuyến khích các ngân hàng cho vay nhiều hơn, giúp tăng cung vốn. Tuy nhiên, tác động về mặt thực tế có thể sẽ không lớn, và mức độ lan tỏa chủ yếu ở một số lĩnh vực ưu tiên thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng.
"Với các diễn biến hiện tại, chúng tôi cho mặt bằng lãi suất ở Việt Nam có thể được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên, nhưng khó thiết lập được mặt bằng lãi suất mới thấp hơn hiện nay", báo cáo của BVSC viết.
Minh Sơn