Nữ du khách Hà Nội mất tiền oan vì thuê nhầm khách sạn 'ma'

Khi đến đúng địa chỉ, chị Lê Anh bất ngờ vì khách sạn ở Hạ Long mình bỏ tiền ra thuê phòng không hề tồn tại.

Giữa tháng 6, vợ chồng chị Lê Anh lái xe từ Hoàng Mai, Hà Nội xuống Hạ Long, Quảng Ninh du lịch hai ngày cuối tuần. Thời gian đó ở địa phương diễn ra đại hội xe phân khối lớn nên các khách sạn quanh Bãi Cháy, Tuần Châu hầu như kín. Không đặt phòng từ trước, nên khi đến nơi vào chiều tối, chị đành vào các trang web trên mạng để tìm. 

Lê Anh, 29 tuổi là một người rất thích đi du lịch, chị cũng có nhiều kinh nghiệm đặt phòng qua mạng. Thuê phải khách sạn không tồn tại ở Hạ Long là sự cố đầu tiên của chị trong các hành trình di chuyển. Ảnh: 

Lê Anh, 29 tuổi là một người thích đi du lịch và có nhiều kinh nghiệm đặt phòng qua mạng. Thuê phải khách sạn không tồn tại ở Hạ Long là sự cố đầu tiên của chị trong các hành trình. Ảnh: NVCC.

Chị thấy một khách sạn ở đường Hoàng Quốc Việt, khu Bãi Cháy còn phòng, giá bán trên các ứng dụng như nhau nên quyết định thuê. Chị chọn một trang web đặt phòng của Mỹ, có hỗ trợ tiếng Việt và thanh toán tiền qua thẻ visa. Giá phòng một đêm, gồm cả phí là 800.000 đồng. 

Lý do khiến chị Lê Anh tin tưởng là cơ sở lưu trú này đăng 19 ảnh chụp trong khách sạn để quảng cáo, thậm chí có ảnh khách du lịch từng thuê trước đó chụp lại.

Chị Lê Anh nhận được đầy đủ mọi thông báo về việc đã hoàn tất thủ tục thuê phòng. Tuy nhiên khi đến nơi, chị mới phát hiện đó là khách sạn ma. Ảnh: NVCC.

Chị Lê Anh nhận được đầy đủ thông báo về việc đã hoàn tất thủ tục thuê phòng. Tuy nhiên khi đến nơi, chị mới phát hiện đó là khách sạn "ma". Ảnh: NVCC.

Sau đó, hai vợ chồng dựa vào định vị GPS để đến thẳng khách sạn nhưng trước mắt là một ngã ba trống trơn. Không khách sạn nào nằm ở vị trí đó. Họ lái xe vòng quanh địa điểm này để tìm, đồng thời gọi cho khách sạn để được chỉ đường nhưng không ai bắt máy. Ba tiếng sau, hai vợ chồng đành phải rời đi và tìm những nơi có hình ảnh khách sạn tương tự chỗ mình đã đặt. Nhưng khi đến nơi, bảo vệ đều nói không phải.

Đói, mệt và không gọi được chủ khách sạn nên hai vợ chồng quyết định thuê cơ sở khác. May mắn họ tìm được khách sạn còn trống duy nhất một phòng lúc hơn 22h.

Sau đó, chị Lê Anh đăng bài và hình ảnh của khách sạn mình thuê lần đầu lên nhóm chuyên bán phòng ở Bãi Cháy, Hạ Long. Một người trong nhóm khẳng định đây là hình ảnh của nơi chủ nhà chỉ cho thuê nguyên căn chứ không bán từng phòng riêng lẻ. Tuy nhiên, căn hộ cho thuê đó cũng không có tên giống với khách sạn chị Lê Anh biết. Nữ du khách Hà Nội được khuyên tìm gặp người chủ có căn phòng giống trong ảnh để hỏi rõ, nhưng Lê Anh bỏ qua.

"Đi chơi là để xả stress chứ đi để mua bực thì mình không thích. Đã mất hơn 5 tiếng tìm phòng, cũng không muốn mất thêm một ngày vô nghĩa nữa nên mình không quay lại khu đó để hỏi chuyện", chị Lê Anh nói.

Khi trở về Hà Nội, nữ du khách vẫn tiếp tục liên hệ với số điện thoại hỗ trợ của trang web đặt phòng khách sạn này ở Việt Nam những không ai nhấc máy. Chị cũng gửi e-mail nhưng chỉ nhận được một lời hồi đáp: "Sẽ sớm liên lạc". Hiện chị  còn chờ câu trả lời từ trụ sở của trang web này ở Mỹ. 

Theo chị Lê Anh, ngày 17/6, chị thấy khách sạn "ma" này đã gỡ quảng cáo, không bán phòng nữa nhưng ngày 18/6 lại tiếp tục. Vì vậy, chị quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để mọi người cảnh giác, cẩn trọng hơn khi thuê phòng trên mạng.

Chị Lan Phương, đến từ Hà Nội cũng gặp tình huống tương tự chị Lê Anh trong chuyến du lịch Cát Bà, Hải Phòng vào ngày 13/6. Chị thuê hai phòng tại một khách sạn ở đường Núi Ngọc và đặt cọc 2,8 triệu đồng, chuyển khoản qua thẻ. Đến đúng địa chỉ, nữ du khách bất ngờ vì tên khách sạn không giống tên chị đã đặt qua mạng. Chủ khách sạn cho biết họ chưa nhận tiền đặt cọc cũng như không bán phòng trên ứng dụng mà chị Lan Phương đặt trước đó. Gọi điện cho số hotline của trang web đặt phòng, nữ du khách được thông báo đó là số bên Mỹ.

Chị Phương cũng bị mất tiền oan vì thuê nhầm khách sạn không tồn tại. Ảnh: NVCC.

Chị Phương cũng bị mất tiền oan vì thuê nhầm khách sạn không tồn tại. Ảnh: NVCC.

Cuối cùng, nhóm của chị mất thêm 3 tiếng đi lang thang để tìm phòng và buộc phải thuê với giá cao gấp 2-3 lần ngày thường (vì chị Phương cũng đi dịp cuối tuần). Kết thúc kỳ nghỉ không như ý, nữ du khách đã gửi tất cả 5 e-mail tới ứng dụng đặt phòng kia. Sau nửa tháng, chị vẫn không nhận được bất kỳ hồi âm nào cũng như chưa được hoàn tiền.

Làm thế nào để không bị lừa khi đặt phòng qua mạng?

Chị Kim Anh, một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cho biết, du khách nên cẩn trọng khi thuê khách sạn qua mạng. Trước tiên, bạn nên đặt phòng tại các khách sạn uy tín, có tên tuổi trong nước. Bạn có thể gọi điện thẳng đến lễ tân để đặt phòng hoặc thông qua một hãng lữ hành uy tín. Với cách làm này, giá phòng đặt có thể cao hơn nhưng đảm bảo. 

Trong trường hợp muốn đặt phòng qua các trang web, du khách nên chọn các ứng dụng uy tín, phổ biến. Trước khi đặt phòng, bạn nên gọi điện đến số hotline của khách sạn hoặc trang web đó để kiểm tra. Du khách cũng nên lựa chọn các khách sạn có nhiều bình luận, phản hồi của khách đã thuê trước đó và địa chỉ khách sạn rõ ràng. Với các khách sạn quốc tế, bạn có thể kiểm tra mức độ đáng tin, thông tin của nó trên TripAdvisor

Anh Minh

Let's block ads! (Why?)