Vẫn có cách để hợp tác trong công việc với những người bảo thủ theo kiểu luôn cho bản thân họ là đúng.
Một câu chuyện có thật được chuyên gia chia sẻ trên Harvard Business Review như sau. Vị trưởng chi nhánh trị giá 350 triệu USD của một doanh nghiệp gần đây tìm ứng viên cho vị trị phó phòng phân tích. Tuy nhiên, trưởng phòng nhân sự kiên quyết rằng ông đề cử sai người.
Cô trưởng phòng nhân sự nói ứng viên đó không đáp ứng được phương diện "linh động" trong tuyển dụng, mà đối với cô, đây là một người làm hỏng việc. Vị trưởng chi nhánh lại cảm thấy dù ứng viên này không hoàn hảo nhưng là người tốt nhất trong số 40 người họ đã phỏng vấn, và ông chấp nhận.
Sau nhiều vòng thảo luận, trưởng phòng nhân sự tuyên bố: "Ông đưa tôi lên làm trưởng phòng nhân sự, và nếu như ông không nghe lời khuyên của tôi thì sao lại giao cho tôi việc này?". Vị trưởng phòng rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Nếu không nghe lời khuyên, cô trưởng phòng nhân sự sẽ cảm thấy bị bỏ rơi. Còn nếu nghe theo thì sẽ củng cố thêm hành vi gia tăng tính "luôn cho mình đúng" của cấp dưới.
Vẫn có cách để làm việc với người nghĩ họ luôn luôn đúng. Ảnh minh họa: Pixabay |
Tình huống trong câu chuyện trên không hiếm. Nhiều người mắc chứng "luôn cho mình đúng" hay quá bảo thủ. Sau đây là 3 cách giúp chính bản thân họ và người cùng làm việc nghĩ thoáng hơn để đạt được hiệu quả trong thảo luận.
Tránh xa nguồn cơn sự bảo thủ
Những định kiến dựa vào kinh nghiệm sẵn có đến từ nhiều hình thức và thường trở thành nền tảng cho những quan điểm bảo thủ. Trong tình huống cô trưởng phòng nhân sự, cô quá tự tin bởi đã đạt được thành tích trong việc đưa ra những quyết định tuyển dụng tuyệt vời trước đây. Sự tự tin của cô không phải từ tâm lý phòng vệ hay thể hiện, mà từ mong muốn lặp lại thành công trong quá khứ.
Do đó, khi trao đổi với người "luôn cho mình đúng", quan trọng là phải nhận ra đang đối mặt với thiên kiến nào. Sự bảo thủ luôn bắt nguồn từ niềm tin sâu sắc, nhưng thường là vô thức.
Lưu ý, nên chống lại cám dỗ quyết tâm giành phần thắng khi tranh luận tay đôi, mà phải làm dịu đi tình huống đang xảy ra. Cho dù quan điểm của họ có kỳ quặc đến đâu, hãy tiếp tục thảo luận như thể có vài điều hợp lý. Nếu như sự bảo thủ của họ theo một khuôn mẫu, đừng cố gắng giải quyết trong cuộc tranh luận về vấn đề cụ thể. Hãy trò chuyện riêng về tính bảo thủ của họ.
Bạn có thể nói điều gì đó như, "Bất cứ khi nào chúng ta cần phải xem xét mọi khía cạnh khác nhau của một vấn đề, tôi lại cảm thấy như thể bạn khăng khăng quan điểm mình một cách quá mức đến nỗi tôi muốn kết thúc hoặc gạt bỏ sự tự tin của bạn".
Tránh cơ chế khuyến khích bảo thủ
Bảo thủ không chỉ là vấn đề cá nhân. Các nhà tâm lý học thường dùng lý thuyết về PIE (Person In Environment: Cá nhân ở trong môi trường) nhằm lý giải tác động của môi trường đến tâm lý của các tranh đấu xã hội.
Nền văn hóa của bạn có coi trọng sự quyết đoán không? Tính quả quyết có được xem là tính ganh đua không? Có phải mọi người cảm thấy nếu như không kiên định về quan điểm họ sẽ bị coi là yếu kém không?
Trong một vài tình huống, như các cuộc thảo luận xoay quanh việc hoạch định chiến lược, lập ngân sách, quản lý tài năng, nơi mọi người nhận thấy có nhiều rủi ro thì nhu cầu thể hiện sự kiên định trở thành vấn đề sống còn.
Nghiên cứu về những nơi làm việc có tính cạnh tranh cho thấy khi mọi người cảm thấy lo lắng về các tiến trình mang tính cạnh tranh, họ có nhiều khả năng hành xử vô lý, bao gồm những lập luận được thêm thắt nhằm đạt được kết quả như ý bản thân.
Để tránh thể chế hóa sự bảo thủ, hãy yêu cầu mọi người hiểu rõ ưu nhược điểm các vấn đề khi đến họp. Biến điều này thành thói quen nhằm giúp mọi người cân nhắc đến những quan điểm khác nhau khi đưa ra quyết định. Những phương thức thực hiện như thế này làm bình thường lại nhu cầu của mọi người, cân bằng lại sự tự tin và bớt sự độc đoán.
Học cách lắng nghe và tiết chế
Đối với một số người trong chúng ta, niềm tin của người khác có thể uy hiếp đến quan điểm và giá trị của bản thân. Thiên kiến làm chúng ta loại bỏ các quan điểm trái ngược. Vì vậy, khi chúng ta buộc phải giải quyết bất đồng, chúng ta thường chống lại một cách tự nhiên. Chúng ta có thể trở nên chống đối quá mức, hoặc thu mình lại, loại bỏ thông tin có thể rất quan trọng.
Do đó, hãy kiểm soát cái tôi và tỉnh táo lắng nghe. Một vài người sợ rằng lắng nghe sẽ xác nhận quan điểm của người khác. Nhưng không, lắng nghe sẽ giúp nghĩ thoáng hơn. Đừng bao giờ xấu hổ, trở nên thờ ơ, hay quá cố chấp. Thông qua việc lắng nghe, bạn sẽ tạo nên tin cậy và an toàn cần thiết để xem xét các quan điểm khác nhau một cách hiệu quả.
Chúng ta cũng cần học cách tiết chế giọng nói, đặc biệt là khi đưa ra các quyết định quan trọng có thể gây tranh cãi. Hãy lưu ý, việc nói ra sự thật "theo bạn nghĩ" khác xa với sự thật mà tất cả đồng thuận.
Có lẽ không có cách nào dung hòa hoàn toàn các quan điểm trái ngược. Và cũng có những người luôn nhất định sẽ bác bỏ quan điểm của bạn một cách vô lý. Tuy nhiên, nếu có thể bình tĩnh và xem xét nguyên nhân dẫn đến sự bảo thủ, chúng ta có thể loại bỏ được tác động tiêu cực và tìm ra điểm chung trong bất đồng.
Phiên An (theo Harvard Business Review)