Một khảo sát với hơn 4.000 người Mỹ trên 18 tuổi cho thấy 15% đăng ảnh về kỳ nghỉ trên mạng xã hội dù không đi đâu.
Với những người muốn khoe cuộc sống hào nhoáng - du lịch sang chảnh, ngồi ghế máy bay hạng nhất và check-in loạt khách sạn cao cấp - nhưng không đủ tài chính, một tấm ảnh biến hóa nhờ công nghệ sẽ là giải pháp cho họ.
Fake A Vacation (Làm giả kỳ nghỉ), dịch vụ chỉnh sửa ảnh có trụ sở tại Nebraska (Mỹ), cho phép người dùng gửi ảnh để ghép vào phông nền giả. Họ có thể ngồi bất cứ đâu, và "hô biến" khoảng không phía sau thành một bãi biển lộng gió ở Maui, dòng nước tung bọt trắng xóa của thác Niagara, hay Đại vực Grand Canyon trong ánh hoàng hôn.
Dịch vụ này nghe như một trò đùa, nhưng thực tế, nhu cầu nói dối về những chuyến du lịch lại khá phổ biến. Một khảo sát với hơn 4.000 người Mỹ trên 18 tuổi cho thấy 14% người tham gia thừa nhận nói dối về kỳ nghỉ hào nhoáng của mình, 15% đăng ảnh "ảo" trên mạng xã hội dù không đi đâu.
"Phản ứng của bạn sẽ ra sao khi chi 2.500 USD để đi du lịch, và nhận ra một người bạn chỉ cần bỏ ra 39 USD để có loạt ảnh lung linh không kém?" là lời quảng cáo về dịch vụ Làm giả kỳ nghỉ. Ảnh: Fake A Vacation. |
Những người tham gia khảo sát thừa nhận họ muốn gây ấn tượng với người khác - ví dụ như cha mẹ của bạn bè, thông gia hoặc đồng nghiệp.
Tom Eda, đại diện Fake A Vacation, cho biết một số khách hàng đặt dịch vụ chỉnh sửa ảnh kỳ nghỉ vì phải hủy chuyến đi vào giờ chót. Công ty trên được thành lập vào năm 2017 khi nắm bắt nhu cầu này. "Số lượng khách ngày càng tăng lên khi mạng xã hội bùng nổ", Eda nói.
Khách hàng có thể đặt gói ảnh trực tuyến và chờ phê duyệt, sau đó họ nhận được một liên kết để gửi ảnh lên hệ thống. Nhân viên sẽ gợi ý trang phục để khách mặc trong các bức ảnh, ghép hình của họ lên các phông nền tùy nhu cầu. Các gói bắt đầu từ 19 USD và nhận ảnh trong vòng ba ngày làm việc.
Nhiều công ty khác cũng bắt đầu khai thác thị trường tiềm năng này. Krome Photos cung cấp cho khách những khung cảnh từ thành phố Barcelona (Tây Ban Nha), khinh khí cầu ngắm thành phố Cappadocia (Thổ Nhĩ Kỳ) và Tử Cấm Thành của Bắc Kinh (Trung Quốc).
"Nếu khách hàng muốn, chúng tôi có thể dán họ vào lễ hội Oktoberfest (Đức) với một cốc bia trong tay", đại diện công ty Palo Alto khẳng định. Chi phí chỉnh sửa ảnh là 3,99 USD cho tấm đầu tiên; 7,99 USD cho mỗi tấm tiếp theo.
Một số người giải thích họ ghép ảnh giả vờ đi nghỉ chỉ vì cảm giác mạo hiểm. Shyla Oliver, blogger Mỹ, từng hé lộ cách cô thuyết phục fan rằng cô du lịch tự túc đến Paris (Pháp), dù chưa bao giờ rời khỏi thành phố Atlanta. Oliver đăng ảnh lái xe trong khu phố, video quay trong sân bay và nói cô sắp lên đường.
Liana phủ nhận mình sửa ảnh để lừa gạt người hâm mộ. Ảnh: Amelia Liana. |
Bên cạnh những người thích đùa, một số người có ảnh hưởng nhất định trên mạng xã hội từng bị phát hiện giả mạo hình ảnh chuyến du lịch và nói dối fan. Điển hình là Amelia Liana, một blogger có tiếng ở London (Anh) với hơn 500.000 lượt theo dõi trên Instagram.
Liana bị phát hiện chỉnh sửa ảnh du lịch Manhattan với đường chân trời kỳ lạ, hay khung cảnh cô ngồi trên một chiếc giường khách sạn không ăn nhập với thành phố London phía sau.
Cô trần tình: "Tôi cảm thấy có một mối liên kết tuyệt vời với bạn, những người theo dõi tôi và tôi sẽ không bao giờ muốn lừa dối các bạn". Liana khẳng định luôn đăng tải những hình ảnh thực tế, phong cách và truyền cảm hứng.
Cuối năm 2018, Johanna Olsson, blogger có 500.000 người theo dõi trên Instagram, bị chỉ trích vì chỉnh ảnh mình đi chơi khắp Paris. Tấm hình cô đứng trên một cây cầu phía trên sông Seine trở nên kỳ cục khi đôi chân như lơ lửng, không đổ bóng dưới ánh nắng.
Tấm ảnh gây tranh cãi của Olsson. Ảnh: IG. |
Đáp lại những lời chỉ trích, Olsson nói: "Tôi đã chụp một bức ảnh nhưng không thấy đẹp nên quyết định thay phông nền khác. Khi đăng lên, không ai nhận ra nên tôi nghĩ mọi chuyện đều ổn".
Olsson khẳng định mình đến Paris và không gỡ ảnh - dù nó được cắt ghép, vì cô cho rằng tác phẩm của mình rất đẹp.
Hải Hà (Theo New York Post)