Giá rao bán đất ở Vân Đồn có nơi đã chạm 70 triệu đồng mỗi m2 nhưng thực tế vẫn không dễ giao dịch.
Anh Tuấn (Hà Nội) dừng xe trên Đại lộ Vân Đồn, địa phận ngay đầu huyện đảo này - nơi có tin đồn cơn sốt đất đang diễn ra. Anh vừa mở cửa ôtô, người đàn ông đi xe máy đỗ ngay trước mặt và nói một tràng: "Anh đi mua đất phải không? Có nhu cầu như thế nào, em giới thiệu cho. Trong này có 2 lô, chủ nhà nói nếu được giá sẽ bán", người đàn ông vừa nói vừa chỉ tay về phía dự án đang san nền, làm hạ tầng còn ngổn ngang. Anh này còn cho biết, khoảng 2 tháng nay, chủ lô đất đòi tăng giá bán 2 triệu đồng mỗi m2 theo diễn biến của những khu vực xung quanh.
Biển bán đất được cắm ở nhiều lô đất trong một dự án tại trung tâm thị trấn Cái Rồng, huyện Vân Đồn. Ảnh: Anh Tú |
Hai năm nay, cứ thấy ôtô biển số từ Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương... là người dân ở đây đoán khách đến tìm mua đất. Tận dụng là thổ địa, nhiều người biết thông tin các lô đất cần bán đã trở thành môi giới.
Khoảng năm rưỡi trước, Vân Đồn là "tụ điểm" của hàng trăm môi giới từ các tỉnh phía Bắc đổ về. Tuy nhiên, từ khi lệnh dừng giao dịch tại Vân Đồn được áp dụng, môi giới tại đây gần như vắng bóng.
Hai tháng gần đây, cảnh ôtô biển số ngoại tỉnh đến Vân Đồn săn đất đầu tư mới trở lại, đặc biệ từ khi các tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thông xe. Nhà đất cũng có giao dịch trở lại khi một vài dự án khu đô thị, khu dân cư, nghỉ dưỡng có những động thái mới như khởi công, ký kết với đối tác hoặc rục rịch mở bán.
Ông Châu Thành Hưng, Phó chủ tịch huyện Vân Đồn cho biết, từ đầu năm đến nay, sau khi chính quyền cho mở cửa trở lại, các giao dịch trên địa bàn có tăng nhẹ. Song ông cũng khẳng định không xảy ra tình trạng sốt giao dịch hay giá bán.
Đà tăng giá của bất động sản Vân Đồn đã dừng lại, lượng giao dịch chững khiến một số nhà đầu tư không thoát được hàng. Tại thị trấn Cái Rồng - trung tâm huyện Vân Đồn, đường 334 là trục giao thông chính và cũng là nơi giá đất cao nhất. Anh Ngọc, một môi giới là người dân bản địa cho biết, có một lô đất tại đây vừa được rao bán với mặt bằng giá mới, vào khoảng 70 triệu đồng một m2, tăng khoảng 10 triệu đồng so với cuối năm ngoái.
"Thực tế đó chỉ là giá rao bán chứ mấy tháng nay chưa có người mua. Tôi cho rằng, giá đó không dễ để giao dịch", anh Ngọc nói và cho biết gần đây ghi nhận thông tin giao dịch một số lô đất ở mức 60 triệu đồng mỗi m2, tăng khoảng 5 triệu so với cuối năm 2018.
Cũng theo anh, hiện giá đất thổ cư và phân lô dự án tại Vân Đồn tăng từ 2-5 triệu đồng mỗi m2 so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, sóng thị trường chỉ duy trì được khoảng một tháng và hiện đã chững lại cả về giá và lượng giao dịch.
"Chủ yếu là nhà đầu tư giao dịch qua lại với nhau, còn thực tế người dân địa phương không có nhu cầu mua để ở. Một số mua lướt sóng và đã bán được ghi nhận lãi. Tuy nhiên, hiện một số nhà đầu tư muốn đẩy hàng nhưng không bán được bởi với mặt bằng giá mới, bên mua thường lắc đầu", anh Ngọc cho hay.
Sàn bất động sản được trưng dụng từ quán photo, điểm kinh doanh hải sản... Ảnh: Anh Tú |
Hiện giá bán đất thổ cư, một số tuyến đường trục chính trong thị trấn Cái Rồng hiện dao động từ 35 đến 60 triệu đồng mỗi m2. Tuy nhiên, trước đó chính quyền địa phương chỉ đạo dừng việc sang tên tách thửa nên người mua phải chấp nhận mua cả lô đất lớn, thường là vài trăm m2. Còn nếu mua đất tách thửa thì hai bên mua bán chỉ có thể làm hợp đồng công chứng. Do đó, ở những dự án đất thổ cư, bên mua và bán thường giằng co, mặc cả rất kỹ.
Tại các dự án như Khu đô thị Phương Đông, Khu dân cư Thống Nhất... hiện giá các lô đất phân lô được rao bán từ 23 đến 33 triệu đồng mỗi m2, tăng từ 2-4 triệu, song số giao dịch thành công không lớn.
"Tuy nhiên, gần đây, một số dự án có nhiều môi giới từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... tham gia bán hàng đã xuất hiện tình trạng rao bán suất ngoại giao. Chiêu trò đó để tạo cảm giác khan hiếm cho nhà đầu tư trước khi mở bán. Còn thực tế, các dự án này đều có nguồn cung lớn", anh Toản, một môi giới giàu kinh nghiệm cho hay.
Nhận định về nguyên nhân biến động giá bất động sản tại đây vừa qua, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Việt Nam nhận định, thông thường tại các thị trường tỉnh, hiện tượng đất tăng giá chỉ là sóng ngắn. Do đó việc đất Vân Đồn chỉ biến động vài giá rồi chững lại không phải lạ.
Theo ông, bản chất của việc duy trì đà tăng trưởng và sự ổn định của thị trường bất động sản vẫn là phải có nhu cầu ở thực. Trong khi đó, ở những địa bàn nhỏ thì nhu cầu mua để ở cũng thấp nên sóng thị trường thường không duy trì được lâu.
"Và khi sóng ngắn, những người rút đúng lúc sẽ có lãi. Ngược lại, nếu nhà đầu tư chậm chân hơn sẽ có bị mắc cạn và phải chờ đợi thêm", ông Toản nhận định.
Nguyễn Hà