Hôm qua (28/12), TAND TP HCM chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam hơn 4,8 tỷ đồng. Trước đó, Vinasun cho rằng "hoạt động vi phạm pháp luật của Grab đã gây nhiều hệ lụy" cho công ty này. Cụ thể, trong năm 2016 và nửa đầu 2017 Vinasun bị thiệt hại gần 76 tỷ đồng, trong đó do Grab gây ra là gần 42 tỷ nên yêu cầu đơn vị này bồi thường.
Ngay sau khi toà tuyên án sơ thẩm, ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi sẽ kháng cáo với phán quyết sơ thẩm này của TAND TP HCM. Chúng tôi hy vọng tòa án cấp cao hơn sẽ nghiên cứu tài liệu và các luận cứ tranh tụng cẩn trọng hơn để đưa ra phán quyết một cách có trách nhiệm, vì lợi ích của người tiêu dùng, vì môi trường đầu tư lành mạnh và đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật".
Các tài xế Vinasun vui mừng sau khi toà tuyên án sơ thẩm buộc Grab bồi thường 4,8 tỷ đồng. Ảnh: KH |
Đồng thời, ông Jerry Lim cho biết, Grab cũng đang chuẩn bị cho vụ kiện Vinasun và một số bên khác, nếu phía doanh nghiệp Việt Nam "không rút lại các cáo buộc vô căn cứ" nhắm vào Grab trong suốt nhiều tháng qua nhằm đánh lạc hướng dư luận trong vụ kiện này và dẫn đến bản án sơ thẩm của TAND TPHCM.
"Hoạt động của Grab tại Việt Nam luôn tuân thủ mọi quy định pháp luật hiện hành. Chúng tôi luôn là một doanh nghiệp có trách nhiệm tại Việt Nam và hoàn thành đầy đủ mọi nghĩa vụ thuế. Chúng tôi đã giải trình tại tòa và muốn nhấn mạnh một lần nữa rằng chúng tôi 'không vi phạm' bất kỳ điều nào trong quá trình thực hiện Đề án 24 và không trốn tránh nghĩa vụ thuế nào như những gì Vinasun đã vu khống", Giám đốc Grab nói.
Grab cho rằng, "hôm qua là một ngày đáng thất vọng cho lĩnh vực công nghệ và đầu tư nước ngoài" khi việc đổi mới, sáng tạo không còn được xem trọng. Theo startup này, thứ nhất, bản án sơ thẩm của TAND TP HCM gửi đi một thông điệp tiêu cực đến các doanh nghiệp muốn đầu tư, sáng tạo trong bối cảnh nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển sôi động. Nó tạo ra tiền lệ cho các doanh nghiệp truyền thống và gián tiếp khuyến khích họ tìm lối thoát dễ dàng và duy trì tình trạng trì trệ bằng cách kiện các đối thủ, thay vì cần liên tục đổi mới, ứng dụng công nghệ để duy trì ưu thế cạnh tranh.
Thứ hai, bản án sơ thẩm đi ngược tiêu chí theo đuổi định hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số của Chính phủ Việt Nam. "Phương thức phản cạnh tranh của Vinasun đã thành công trong việc cản trở đổi mới sáng tạo - đây là một bước thụt lùi nghiêm trọng và là một sự thất bại dành cho các doanh nghiệp và tài năng công nghệ, những người thực sự muốn sử dụng công nghệ để cải thiện cuộc sống của người dân, cũng như hàng trăm ngàn người dân Việt Nam đang dựa vào nền kinh tế chia sẻ để cải thiện cuộc sống của bản thân, cũng như gia đình họ", Jerry Lim khẳng định.
Grab cho biết, sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan để hướng đến một khung pháp lý hài hòa và công bằng cho mọi doanh nghiệp, sao cho tất cả các bên cùng có lợi. Đơn vị này cho rằng, Việt Nam sẽ không thể nào đi lùi lại trong khi các quốc gia láng giềng Đông Nam Á như Singapore, Philippines, Malaysia, Campuchia đã nhanh chóng nắm bắt lợi thế của lĩnh vực xe hợp đồng điện tử.
Anh Tú