Trung Quốc có nguy cơ xảy ra làn sóng vỡ nợ

Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) mới đây cho biết, trong 10 tháng đầu năm, quy mô số vụ vỡ nợ trái phiếu quốc tế phát hành bằng USD (OCDB) của doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tổng cộng 3,4 tỷ USD. Trong khi năm ngoái, con số này là 0. Trong hai năm tới, họ dự báo số vụ vỡ nợ sẽ còn nhiều hơn nữa.

Đến nay, khả năng việc này châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng lớn hơn là rất thấp. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho biết vẫn cần theo dõi sát để ngăn rủi ro lan truyền. "Tôi đang quan sát xem liệu các khoản nợ bằng USD này sẽ được giải quyết thế nào", Tai Hui - chiến lược gia thị trường khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại J.P. Morgan Asset Management cho biết cuối tuần trước.

Hui nhấn mạnh hiện tại, ông không nhận thấy có rủi ro hệ thống. Tuy nhiên, các rắc rối tài chính thường bắt đầu ở một mảng, rồi mới lan truyền. "Tôi cho rằng chính phủ Trung Quốc cần rất thận trọng với các mối liên quan này", ông cho biết. Trong đó, bất động sản là lĩnh vực cần quan tâm nhiều nhất.

Bên ngoài một chung cư ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Bên ngoài một chung cư ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: AFP

Trong báo cáo, Nomura ước tính quý III, tổng giá trị số trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc phát hành bằng đôla Mỹ đang lưu hành là 751 tỷ USD - gấp đôi cuối năm 2015. Tính trung bình từ quý IV/2018 đến hết năm 2020, mỗi quý, khoảng 33,3 tỷ USD trái phiếu loại này sẽ đáo hạn, cao gấp 3 quý III.

Số vụ vỡ nợ OCDB của Trung Quốc cũng đang tăng lên trong quý IV, Nomura cho biết. "Chúng tôi cho rằng dù số vụ vỡ nợ giảm đi vào mùa hè, OCDB đang chịu sức ép trở lại, do nhu cầu nội địa yếu, rủi ro tín dụng tăng, đồng nhân dân tệ (NDT) mất giá và Fed nâng lãi suất", báo cáo giải thích.

Các công ty Trung Quốc có thể phát hành trái phiếu bằng NDT, hoặc đôla Mỹ và các ngoại tệ khác. Tuy nhiên, ngoại tệ cũng kéo theo nhiều rủi ro nếu không có biện pháp phòng trừ biến động tỷ giá.

Năm nay, NDT đã mất giá hơn 6% so với USD. Việc này sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc khó khăn hơn khi trả nợ bằng USD. Một số nhà phân tích đã dự báo NDT tiếp tục yếu đi. NDT yếu giúp tăng xuất khẩu, nhưng lại khiến các công ty tốn kém thêm khi nhập khẩu nguyên liệu thô.

Hồi quý III, Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,5% - thấp nhất kể từ đầu năm 2009. Họ trở thành nền kinh tế lớn nhì thế giới nhờ mô hình tăng trưởng dựa trên tín dụng. Việc này đã khiến khối nợ của Trung Quốc hiện tương đương 250% GDP.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ đang tăng trưởng ổn định, lương đang nhích lên và tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức thấp nhất 50 năm. Để ngăn nền kinh tế phát triển quá nóng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất nhiều lần trong vài năm qua. Tuy nhiên, việc này cũng khiến giá trái phiếu giảm và lợi suất trái phiếu phát hành bằng USD tăng lên.

Một số công ty Trung Quốc đã phải phát hành trái phiếu mới để lấy tiền trả nợ hiện tại. Ví dụ, đại gia bất động sản Trung Quốc - China Evergrande Group tháng trước cho biết đang phát hành 1,8 tỷ USD trái phiếu mới, chủ yếu để thanh toán khối nợ nước ngoài hiện tại.

Dù vậy, Nomura cũng cho rằng nhu cầu mua trái phiếu mới đi xuống sẽ khiến các công ty khó huy động vốn hơn. Các hãng bất động sản có thể sẽ trải qua thời kỳ đặc biệt khó khăn. Việc này có thể kéo theo dòng vốn chảy vào nhỏ, càng tạo áp lực lên dự trữ ngoại hối và đồng NDT của Trung Quốc. Bên cạnh đó, cùng với việc nguồn cung tín dụng trong nước bị thắt chặt, "áp lực suy giảm lên nền kinh tế càng lớn".

Hà Thu (theo CNBC)

Let's block ads! (Why?)