Hôm 23/11, lần đầu tiên UBND TP HCM tổ chức Diễn đàn Kinh tế TP HCM để quy tụ các chuyên gia trong và ngoài nước, các lãnh đạo tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế để lắng nghe các ý kiến đóng góp cho sự phát triển tương lai của thành phố.
Chọn chủ đề "Kiến tạo Đô thị Sáng tạo, Tương tác - Vài trò động lực của Doanh nghiệp", giới lãnh đạo Thành phố tập trung nhiều tâm huyết vào mục tiêu đầu tư khu Đông (bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức) thành một đô thị sáng tạo, hạt nhân để thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của địa phương.
"Khu đô thị sáng tạo này sẽ trở thành hạt nhân cốt lõi thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trên địa bàn và là nền tảng để triển khai Đề án đô thị thông minh trên toàn thành phố", ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2018. Ảnh: Viễn Thông |
Ông Phong cho biết, việc triển khai Khu đô thị sáng tạo rất có ý nghĩa khi thành phố đang trở thành siêu đô thị, đóng góp 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% thu ngân sách, 16% sản lượng công nghiệp, 15% kim ngạch xuất khẩu và chiếm 32% số doanh nghiệp của cả nước. Đặc biệt, việc triển khai Khu đô thị sáng tạo thuận lợi hơn khi Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP HCM nêu 3 chức năng cơ bản của Khu đô thị sáng tạo này bao gồm: trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực chất lượng cao, trung tâm sản xuất, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao.
"Khu đô thị sáng tạo sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng (từ các khâu nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đào tạo nguồn nhân lực, thiết kế sản phẩm, sản xuất sản phẩm phụ trợ, sản xuất sản phẩm công nghiệp, tiêu thụ sản phẩm và cung ứng dịch vụ) trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp", ông Liêm mô tả vai trò kinh tế của khu Đông trong tương lai.
Lãnh đạo Thành phố nói rằng, việc xây dựng Khu đô thị sáng tạo cần có sự gắn kết, tương tác giữa tứ giác của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học và nhà đầu tư tài chính. Trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm, động lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo.
Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân lắng nghe các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị sáng tạo trên thế giới tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2018. Ảnh: Hữu Khoa |
"Thành phố có rất nhiều tài sản nhưng phải nâng cao khả năng nghiên cứu của các viện, trường, phát huy năng lực các khu công nghệ cao. Vấn đề là làm sao để tận dụng hết năng lực của họ, kết nối các khu công nghiệp, công nghệ cao với doanh nghiệp mà trước đây mối tương tác này chưa đủ", Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân mở đầu phiên tọa đàm với các chuyên gia quốc tế, mời gọi đóng góp ý kiến.
Tiến sĩ Emmanuel San Andres - Trưởng dự án Nghiên cứu thành phố bền vững và phát triển đô thị , Cơ quan Hỗ trợ Chính sách thuộc APEC (PSU) cũng đồng thuận rằng, mối quan hệ hợp tác là yếu tố quan trọng căn bản để chiến lược này thành công. Sự kết hợp giữa người làm chính sách, viện trường và doanh nghiệp chính là cách để mang đến một cái nhìn tổng quan nhất.
Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị 3 điều cơ bản để thúc đẩy phát triển đô thị đổi mới sáng tạo. Thứ nhất, xây dựng tầm nhìn, với trọng tâm là các khái niệm hiện đại của một thành phố thông minh, tận dụng các công nghệ mới, đột phá. Thứ hai, lập quy hoạch hạ tầng cứng lẫn mềm ngay từ đầu. Thứ ba, đầu tư cho vốn con người
"Để phát triển vốn con người, phải tạo điều kiện cho các viện trường làm việc với nhau. Tiếp theo phải có chính sách nâng cấp kỹ năng cho lao động, thu hút và giữ chân nhân tài", chuyên gia này chia sẻ.
Nhân lực cũng là góp ý chính của tiến sĩ Admad Magard - Tổng thư ký Liên đoàn sản xuất Singapore trong buổi tọa đàm với Bí thư Nguyễn Thiện Nhân.
"Chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa đổi mới sáng tạo nếu phát triển vốn con người và tài năng. Tôi khuyến nghị đầu tư nhiều hơn vào mảng này. Có thể thực hiện bằng cách cho các trường đại học chủ động triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế. Khuyến khích khối tư nhân mạnh dạn tiếp xúc với các viện, trường bằng các ưu đãi thuế khi họ đầu tư cho nhân lực, hợp tác đào tạo...", ông Admad nhận định.
Có diện tích 22.000 ha với dân số khoảng một triệu người, khu Đông TP HCM đang tập trung nhiều trường, viện, doanh nghiệp có sản phẩm mang hàm lượng khoa học – công nghệ cao. Tại đây hiện có Khu đại học Quốc gia với 18 đại học thành viên và viện nghiên cứu; Khu công nghệ cao giai đoạn 1 và 2 khoảng 1.066 ha; Trung tâm thương mại dịch vụ tài chính tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích 657ha; các khu công nghiệp, khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2, Cát Lái và Bình Chiểu.
PGS. TS Huỳnh Thành Đạt - Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM phân tích, khu đô thị sáng tạo tại các nước luôn gắn với đại học nghiên cứu hay trung tâm đổi mới sáng tạo do đại học xây dựng. Ví dụ như khu Kendall của thành phố Boston (Mỹ) với hạt nhân là Viện công nghệ Massachusetts (MIT). Tại Đông Nam Á, Khu công nghệ cao One North nổi tiếng với hệ sinh thái tiếp giáp Đại học Quốc gia Singapore. Gần đây, khu đô thị sáng tạo Siam nằm trong Bangkok (Thái Lan) cũng vừa được Đại học Chulalongkorn công bố.
Từ các ví dụ này rút ra, khu Đông TP HCM có thể phát triển dựa trên 3 mỏ neo gồm Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao TP HCM và Khu đô thị Đại học Quốc gia TP HCM.
Viễn Thông