Nhảy việc quá nhiều có thể khiến hồ sơ của bạn kém hấp dẫn. Tuy nhiên, theo tác giả sách nổi tiếng Suzy Welch (Mỹ), làm một công việc quá lâu cũng có hại không kém với sự nghiệp của bạn. "Rất lâu trước đây, tiêu chuẩn với sinh viên mới tốt nghiệp là vào một công ty và làm đến khi về hưu", Welch cho biết, "Nhưng ngày nay, nền kinh tế thay đổi quá nhanh. Người ta chẳng thể làm một công việc cả đời được nữa".
Đó là lý do vì sao Welch cho biết "gần như chẳng còn ai kỳ vọng công việc đầu tiên, hoặc bất kỳ công việc nào khác, sẽ là điểm dừng chân cuối cùng cả". Đến một lúc nào đó, bạn sẽ chuyển việc vì có cơ hội, lương cao hoặc khả năng phát triển bản thân. Câu hỏi chỉ là khi nào mà thôi.
Bà cho rằng mọi người nên bắt đầu suy nghĩ về bước đi tiếp theo trong sự nghiệp khi đã sang năm thứ 3. "Theo quan điểm của tôi, thời gian hợp lý để rời đi là sau 3 - 5 năm", bà cho biết, "Nó sẽ tạo đủ đà cho bạn để ra đi trước khi hồ sơ của bạn trở nên kém hấp dẫn. Càng ở lâu, người tuyển dụng sẽ càng thắc mắc liệu bạn có thể thích nghi với một văn hóa khác, tốc độ khác và cách làm việc khác hay không".
Chuyển việc đã trở thành điều bình thường hiện nay. Ảnh: Think Stock |
Nếu làm một công việc quá lâu, mạng lưới quen biết của bạn sẽ bị bó hẹp. Nhưng mỗi lần chuyển sang công ty khác, bạn có thể học hỏi quy trình, chiến lược và hoạt động nhanh hơn. Bạn sẽ học được cách gặp người mới, làm việc với họ mà không mất thời gian làm quen. Đó là những kỹ năng vô giá.
Chuyển việc thường xuyên cũng sẽ giúp bạn không ngần ngại dứt áo ra đi nếu có vấn đề xảy ra. Bạn còn biết rõ giá trị thị trường của bản thân nữa.
Dĩ nhiên, việc gì cũng có ngoại lệ. "Nếu bạn đam mê thứ mình đang làm, và nhìn thấy tiềm năng thăng tiến, hãy ở lại. Chẳng có lý do gì để rời bỏ một công việc nếu nó mang lại một tương lai tươi sáng cho bạn", Welch giải thích, "Nhưng như phần lớn mọi người, nếu bạn biết rằng sớm muộn mình sẽ phải rời đi, đừng chờ đợi quá lâu".
Hà Thu (theo CNBC)