Lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng

Biểu lãi suất mới nhất được Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank dành cho khách hàng cá nhân trong đầu tháng 11 tiếp tục tăng lên với mức khoảng 0,1% so với mức lãi suất huy động của tháng 10.

Cụ thể, lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân tại các kỳ hạn từ một tháng đến 36 tháng với lãi suất dao động từ 5,1% đến 7,3% một năm. Trong đó, mức lãi suất cao nhất của VPBank tăng từ 7,2% mỗi năm (trong tháng 10) lên 7,3% một năm áp dụng đối với các khoản tiền gửi từ 5 tỷ trở lên và có kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. 

Lãi suất tiền gửi tăng. Ảnh: PV.

Lãi suất tiền gửi tăng. Ảnh: PV.

Tại OCB, từ ngày 10/11, ngân hàng này cũng thay đổi biểu lãi suất theo hướng tăng 0,1 - 0,2% mỗi năm tại một số kỳ hạn. Hiện lãi suất tiền gửi cao nhất của ngân hàng là 7,7% áp cho kỳ hạn 36 tháng. 

Trước đó, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã thay đổi biểu lãi suất huy động theo hướng tăng nhẹ. Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng là 4,8%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng là 5% mỗi năm, 6 - 11 tháng 6% một năm.

Còn Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngoài việc áp dụng biểu lãi suất mới còn tặng quà hoặc tặng thêm lãi suất tối đa 2% mỗi năm cho khách hàng cá nhân gửi góp định kỳ từ 500.000 đồng trở lên.

Không chỉ lãi suất huy động từ dân cư tăng, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng tiếp tục có xu hướng tăng. Cụ thể, lãi suất trung bình các loại kỳ hạn tăng với biên độ 0,126% - 0,24%. Trong đó, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 0,24% đạt mức 4,796% một năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn một tuần tăng 0,21%, lên mức 4,816% một năm. Lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần tăng 0,126%, đạt mức 4,836% mỗi năm.

Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC cũng có báo cáo cho biết, tuần 5 - 11/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng hơn 20.600 tỷ đồng vào thị trường. Cụ thể, cơ quan này bơm mới 52.658 tỷ đồng qua kênh OMO, trong khi đó lượng vốn đáo hạn đạt 34.000 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, qua kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước không có hoạt động phát hành tín phiếu mới trong khi lượng vốn đáo hạn đạt 2.000 tỷ đồng. Tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, nhà quản lý đã bơm ròng 20.659 tỷ đồng vào thị trường.

"Diễn biến tăng của lãi suất liên ngân hàng đi kèm động thái bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước tuần qua cho thấy thanh khoản toàn hệ thống đang ở trạng thái eo hẹp", BVSC nhận định. 

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, thông thường nhu cầu vay vốn vào cuối năm của doanh nghiệp rất lớn. Do đó, đây là dịp để các nhà băng tăng lãi suất tiền gửi, thu hút thêm vốn từ thị trường dân cư để phục vụ nhu cầu vay. 

Bên cạnh đó, một số ngân hàng phải đẩy huy động vốn, trong đó có vốn dài hạn lên cao vì tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ giảm xuống 40% từ đầu năm 2019. Để đáp ứng yêu cầu này, các ngân hàng phải có bước chuẩn bị vốn để cho vay trung dài hạn nhiều hơn từ năm tới. Do đó, lãi suất cũng khó giảm thêm.

Lệ Chi

Let's block ads! (Why?)