Mức lương cán bộ quản lý của NXB Giáo dục hiện nay là bao nhiêu? Câu trả lời: Đó là một bí mật. Nhà xuất bản Giáo dục là một doanh nghiệp nhà nước, tức là 100% vốn nhà nước. Diễn giải một cách đơn giản, thì cán bộ nơi này được người dân trả thù lao để thực hiện một nhiệm vụ công ích. Họ độc quyền trong việc in sách giáo khoa. Và theo các thiết chế hiện hành, người dân phải được biết mọi con số liên quan đến thu chi của doanh nghiệp mình sở hữu, trong đó có lương thưởng.
Nhưng đó là một bí mật. Công bố về lương gần nhất của NXB Giáo dục, xuất hiện trên trang của Bộ Kế hoạch Đầu tư, ghi tháng 5/2017. Thời điểm đó, doanh nghiệp này có “kế hoạch” trả cho cán bộ quản lý trung bình 45,5 triệu một tháng. Đã qua thêm một mùa khai trường, một mùa bán sách, nhưng không ai biết con số đó bây giờ là bao nhiêu. NXB Giáo dục không công bố thông tin theo luật định.
Suốt tháng Chín năm nay, khi các cuộc tranh luận về lợi nhuận của NXB Giáo dục trở thành tâm điểm trên truyền thông, mọi phân tích đều phải dựa trên báo cáo tài chính năm 2017 của doanh nghiệp này. Từ đó đến nay, đã có thêm một quyết định thay đổi chương trình sách giáo khoa lớp 1. Còn NXB Giáo dục thì chưa công bố báo cáo tài chính mới.
Nghị định 81/NĐ/2015 yêu cầu một doanh nghiệp nhà nước phải công bố tới 9 hạng mục thông tin; trong đó quan trọng có báo cáo tài chính sáu tháng, báo cáo tài chính năm và báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng.
NXB Giáo dục bán sách giáo khoa - một sản phẩm được quan tâm đặc biệt. Nhưng sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội cũng không đập vỡ được các bí mật kiểu “doanh nghiệp nhà nước”. Còn rất nhiều doanh nghiệp nhà nước, làm những thứ mà người dân không thể quan tâm hàng ngày. Thông tin về họ, là bí mật mà thậm chí người dân còn không biết có tồn tại. Theo kết quả báo cáo giám sát mới nhất của Quốc hội, đến cuối năm 2017, tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước là hơn 3 triệu tỷ đồng. Khó khăn trong việc giám sát khối tài sản này được nêu lên bởi các nhà quản lý, giới chuyên gia và đại biểu quốc hội suốt nhiều năm.
“Không thể nào thực hiện được” - ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương bàn về vấn đề này hồi tháng 7/2018, với lý do “hệ thống chịu trách nhiệm tập thể, che mờ trách nhiệm cá nhân”.
Đến hẹn lại lên, năm nào Bộ Kế hoạch đầu tư cũng công bố một danh sách hàng trăm doanh nghiệp nhà nước không báo cáo thông tin về Bộ. Năm ngoái, chỉ có 42,6% doanh nghiệp thực hiện đúng quy định.
Việc công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước được thực hiện đôi lúc tùy tiện và cẩu thả. Khi cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng xuất hiện chi chít ổ gà, vết bong tróc, cũng là lúc người ta nhận ra rằng Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam chưa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018. Gần một tháng sau đó, báo cáo này mới được họ bổ sung trên website của mình. Chưa hết, trên trang công bố của Bộ Kế hoạch Đầu tư, click vào báo cáo của công ty này, lại hiện ra báo cáo tài chính của… Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.
Với OceanBank, GPBank, CB, sau khi bị mua lại với giá 0 đồng và chia tay "ngân hàng cổ phần" thành ngân hàng 100% vốn Nhà nước, họ được khoác tấm áo tàng hình về công bố thông tin. Các thông tin tài chính vốn trước đây công khai nay thành "bí mật", mục "Công bố thông tin" hoàn toàn biến mất trên website của họ.
Tháng 10/2018, VnExpress thực hiện khảo sát 60 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc tỷ lệ vốn nhà nước hơn 50%. Phần lớn trong số này là các doanh nghiệp được nêu tên trong báo cáo kiểm toán ngân sách nhà nước 2017, thuộc nhóm thua lỗ từ 100 tỷ trở lên, đang phải giám sát đặc biệt, có sai phạm trong quản lý đất đai. Số còn lại, là các ngân hàng làm ăn không hiệu quả và bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng và các tổng công ty sẽ về với Ủy ban quản lý vốn nhà nước (Siêu Ủy ban).
Kết quả: Nếu bạn là một người dân bình thường muốn tìm hiểu về cách sử dụng tiền thuế của mình - và giả thiết bạn dành thời gian tương đương với 4 phóng viên VnExpress làm việc trong một tuần, bạn sẽ hoàn toàn bất lực trước ít nhất là một nửa số doanh nghiệp mình chạm tới. Trong 60 đơn vị được khảo sát, có 30 đơn vị không thể tìm thấy báo cáo tài chính nửa đầu năm 2018 trên website, cho dù năm 2018 chỉ còn vài chục ngày nữa là kết thúc.
Số phận hàng nghìn tỷ trở thành bí mật. Ngay cả các cơ quan chủ sở hữu vốn nhà nước, tức là các Bộ ngành, địa phương, cũng không có phần “Công bố thông tin” trên website. Và thậm chí có cả những công ty đang cầm vài trăm tỷ đồng vốn “của dân” còn không có một website chính thức.
Trong danh mục khảo sát, 22/27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không thực hiện đúng Nghị định 81/2015/NĐ-CP. Và cho đến giờ, chưa có chế tài cụ thể nào để xử lý vi phạm này.
Những ví dụ được nêu ra trong bài viết này, đến từ một khảo sát quy mô hẹp, nhưng là những đại diện tiêu biểu cho những bí mật nằm trong khối tài sản hàng trăm nghìn tỷ đồng “của dân”.