Vancouver là một thành phố cảng xinh đẹp ven bờ Thái Bình Dương. Nơi đây còn nổi tiếng với thuật ngữ "the Vancouver model" (mô hình Vancouver). Bloomberg nói rằng mô hình này là sự pha trộ giữa "tiền sạch" và "tiền bẩn", len lỏi trong các sòng bạc, bất động sản, hàng xa sỉ. Chúng hình thành bởi mối quan hệ lịch sử với Trung Quốc và các tội phạm tài chính của Canada.
Tiền từ những người giàu Trung Quốc đổ vào Vancouver đã tạo ra sự thay đổi rõ rệt về kinh tế, nhân khẩu học và vật lý "đầy kịch tính". Trên con phố trung tâm Alberni Street, một cửa hàng Prada hai tầng xuất hiện lộng lẫy với mặt tiền lát cẩm thạch đen. Rolex cũng có một cửa hàng thuộc loại lớn nhất Bắc Mỹ tại đây. Khách sạn 5 sao Shangri- La ở thành phố này cao đến 62 tầng. Tất cả nơi xa hoa trên đều có nhân viên nói tiếng Quan Thoại.
Người mua sắm trên phố Alberni Street. Ảnh: Bloomberg |
Hồi tháng 5, Rolls-Royce đã chọn Vancouver cho ra mắt chiếc xe thể thao đa dụng đầu tiên với giá khởi điểm từ 300.000 USD. Sáu chiếc được bán ngay trong ngày đầu tiên.
Phần lớn số tiền đổ về đây là hợp pháp, đôi khi được giải phóng thông qua thị trường không chính thức. Nhưng chính quyền thành phố cũng thừa nhận một lượng đáng kể là tiền từ tham nhũng, tội phạm hay buôn bán hàng cấm như thuốc phiện. Trước làn sóng phẫn nộ của người dân địa phương vì giá nhà bị đẩy lên trời và nền kinh tế bị bóp méo, chính quyền mới được bầu ra năm ngoái đang nghiên cứu các chính sách làm dịu thị trường bất động sản và hạn chế sự xuất hiện của tiền Trung Quốc.
"Cơn bão tiền" từ Trung Quốc
Nhưng thay đổi là không hề dễ. Vancouver đã kết nối chặt chẽ với châu Á từ thế kỷ 19, khi công nhân Trung Quốc đến xây dựng tuyến đường sắt xuyên Canada và bản thân thành phố cũng tự hào về thành phần dân nhập cư. Hơn nữa, ngoài bất động sản thì thành phố này cũng không có một lợi thế về kinh tế nào khác.
"Tiền từ châu Á đã giúp cho thành phố này còn sống. Bạn có thể thấy trong mọi khía cạnh của đời sống chúng tôi", Ron Shon, một nhà đầu tư mạo hiểm Canada gốc Trung Quốc nói.
Tiền đổ về quá nhanh và với số lượng khổng lồ thì đứng ngoài cuộc không còn là sự lựa chọn. Vancouver có lẽ là thành phố lớn đầu tiên của phương Tây trải nghiệm sự tràn ngập của tiền Trung Quốc. Ngay sau đó, nó có thể là nơi đầu tiên hiểu những gì sẽ xảy ra nếu cố ngăn chặn nó.
Canada từng siết chặt dòng người nhập cư từ Trung Quốc ngay sau khi tuyến đường sắt quốc gia hoàn thành năm 1885. Tuy nhiên, do thiếu lao động nước ngoài và đầu tư, chính sách nhập cư được nới lỏng từ những năm 1970. Dòng người bắt đầu đổ đến từ Hong Kong, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Với người Hoa nói chung, Vancouver gần như là một từ chỉ sự thịnh vượng. Một trong những chuyến bay hàng ngày của Cathay Pacific từ Hong Kong được đánh số 888, bộ ba chữ số may mắn nhất có thể.
Một góc thành phố Vancouver. Ảnh: Bloomberg |
Chế độ nhập cư Canada đánh giá cao những hồ sơ có năng lực kinh tế tốt. Nhiều gia đình Trung Quốc chọn cách đưa cả nhà sang sống tại Vancouver hoặc Toronto trong khi trụ cột chính sẽ thường xuyên sống ở Trung Quốc để kiếm tiền. "Khá dễ dàng để kiểm tiền tại Trung Quốc. Tại sao lại từ bỏ điều đó", Richard Zhang, nhà phát triển công nghiệp đến từ tỉnh Hà Bắc nói.
Canada có khoảng 300.000 người thường trú mới mỗi năm, cao hơn nhiều so với Mỹ. Các cuộc thăm dò và thái độ của các đảng phái chính trị khá tích cực về vấn đề này vì mang lại các lợi ích kinh tế và văn hóa.
Tương tự, người Vancouver từng cũng khá chào đón vì dân nhập cư mang đến rất nhiều tiền. Nhờ khả năng mua sắm hào phóng của người nước ngoài, giá trị tài sản của thành phố hiện cao nhất cả nước. Giá một căn nhà riêng trung bình ở Vancouver đã tăng gấp ba lần kể từ năm 2005, lên tới 1,5 triệu đôla Canada, khiến cho hàng triệu người trở thành triệu phú.
"Nếu bạn 60 tuổi và muốn nghỉ hưu. Tốt thôi, bạn có một ngôi nhà trị giá 2,5 triệu đôla. Bạn bán nó và chuyển đến một trong những hòn đảo đẹp nhất ngoài biển với giá 500.000 đôla và có 2 triệu đôla trong ngân hàng", Chip Wilson - Nhà sáng lập hãng bán lẻ quần áo Lululemon Athletica mô tả.
Mặt trái của đồng tiền
Song gần đây, thái độ đã thay đổi. Tình trạng ô nhiễm và những khu dân cư bỏ trống vì người trẻ từ bỏ giấc mơ mua nhà bởi giá cao đã thổi bùng cơn giận. Năm 2016, để xoa dịu, chính quyền của đảng Tự do áp thuế 15% đối với những người mua nhà không phải công dân hay có thẻ thường trú Canada tại khu vực trong và xung quanh Vancouver.
Tuy nhiên, với cử tri thì hành động này đã quá muộn. Nhờ thế, đảng Dân chủ giành được quyền lực gần đây sau khi hứa hẹn kiềm chế thị trường hơn nữa. Mức thuế được tăng lên 20% và chính phủ có kế hoạch thu phí 2% mỗi năm với những bất động sản bỏ trống thuộc sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, chính sách chỉ có hiệu quả khi biết đích xác ai thực sự sở hữu tài sản tại Vancouver. Thống kê chính thức năm 2017 cho biết người nước ngoài sở hữu 7% nhà ở tại thành phố. Tuy nhiên, cơ quan nhà ở liên bang cho biết con số này không thực vì nhiều người ẩn danh, mua nhà bằng cách nhờ người thân hoặc vỏ bọc là một công ty Canada. Năm 2016, Tổ chức Minh bạch Quốc tế cho rằng người nước ngoài sở hữu một nửa trong số 100 bất động sản đắt nhất Vancouver.
"Từ ngày làm việc đầu tiên, tôi đã thấy hiển nhiên rằng chúng tôi có một vấn đề lớn. Chính sách tài phán hiện tạo ra một số cấu trúc rất hữu ích nếu muốn che giấu tiền. Chúng ta có một hệ thống sở hữu đất đai cho phép bạn che giấu chủ sở hữu thực sự. Chúng ta có quyền thực thi rất hạn chế" , Tổng chưởng lý tỉnh bang British Columbia - ông David Eby thừa nhận.
Bên trong sòng bạc River Rock tại Vancouver dịp Tết Âm lịch. Ảnh: Bloomberg |
Sau khi nhậm chức, ông David Eby còn tiến hành một cuộc điều tra về ngành cờ bạc với kết luận "rửa tiền quy mô lớn, xuyên quốc gia đã xảy ra ở các sòng bạc". Các chủ sòng bạc lớn như Starlight hay River Rock thì ra sức phủ nhận.
Hồi tháng 9, David Eby cho biết xem xét cả hoạt động rửa tiền trong các giao dịch bất động sản và xe sang. Ông kiến nghị các chính sách và điều tra cứng rắn hơn cấp liên bang nhưng bị phớt lờ. "Họ đã bỏ qua các vấn đề về thuế và tội phạm quốc tế", ông kể về các chính trị gia.
Thomas Fung là một doanh nhân khá thành đạt ở Vancouver, sở hữu cả một đài phát thanh - truyền hình nói tiếng Hoa. Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận những tác động không mấy tích cực của tiền Trung Quốc.
"Nhiều hàng xóm cũ của tôi đã rời đi. Khi nghỉ hưu, khoản lương ít ỏi không đủ để trả phí cho căn hộ, nay đã trị giá vài triệu đôla", ông kể.
"Tiến thoái lưỡng nan"
Một tín hiệu khả quan là doanh số nhà ở tại Vancouver giảm 44% trong tháng 9 so với cùng kỳ 2017. Tuy nhiên, trớ trêu là doanh số bán nhà, xây dựng và các hoạt động liên quan chiếm tới 40% GDP của British Columbia. Điều đó có nghĩa, kinh tế tuột dốc khi cố kiềm hãm dòng tiền Trung Quốc.
Chính quyền thành phố này còn rơi vào một thế kẹt khác. Thu nhập trung bình của gia đình Vancouver chỉ khoảng 61.000 USD, đứng thứ 50 trong số các đô thị ở Bắc Mỹ. Đa dạng hóa nền kinh tế là ưu tiên cấp bách với chính quyền.
Thị trưởng Gregor Robertson cố gắng thu hút đầu tư các dự án năng lượng sạch, sản xuất tiên tiến và du lịch. Thế nhưng, tất cả đều "bế tắc" cùng một lý do là giá thuê nhà đất quá cao, ngoại trừ ngành công nghệ cao, chủ yếu là phần mềm.
Microsoft hay Amazon gần đây lập các văn phòng với nhân sự hàng nghìn nhân viên tại đây. Các hãng đến vì giá thuê lao động rẻ và chính sách nhập cư cho lao động có trình độ dễ dàng.
Với chính quyền thành phố, ngành công nghệ cao như một niềm hy vọng mới. Tuy nhiên, ngoài lực lượng lao động trong ngành này với thu nhập ổn, chấp nhận nổi giá nhà đắt đỏ thì những cư dân còn lại chẳng hưởng lợi bao nhiêu.
"Không có tác động nhiều để làm cho Vancouver dễ sống hơn với các giáo viên, y tá, chủ doanh nghiệp nhỏ và các nghệ sĩ đang phải vật lộn để tồn tại ở đó", Bloomberg bình luận.
Phiên An (theo Bloomberg)