Theo kế hoạch kinh doanh được phê duyệt bởi Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đặt mục tiêu doanh thu năm nay xấp xỉ 3.400 tỷ đồng. Nguồn thu khai thác các tuyến cao tốc chiếm hơn 92% trong cơ cấu doanh thu, phần còn lại đến từ lãi góp vốn và tiền gửi đầu tư ngắn hạn.
VEC ước tính, dự án cao tốc Nội Bài – Lào Cai sẽ đóng góp 1.280 tỷ đồng doanh thu. Tiếp đến là cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây với 981 tỷ, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với 646 tỷ và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi với 229 tỷ.
Tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có vốn đầu tư 34.000 tỷ đồng được đưa vào khai thác từ tháng 9/2018. Ảnh: Đắc Thành. |
Chi phí vận hành, bảo trì, chênh lệch tỷ giá và khấu hao tài sản theo doanh thu được hạch toán vào khoản mục giá vốn khoảng 2.422 tỷ đồng. Sau khi trừ thêm chi phí tài chính và trích trước sửa chữa lớn tài sản cố định, lợi nhuận sau thuế của VEC chỉ còn 365 triệu đồng.
VEC dự kiến năm nay giải ngân hơn 7.00 tỷ đồng để đầu tư bốn tuyến cao tốc, trong đó hai dự án lớn là Bến Lức – Long Thành và Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Số tiền trả nợ các khoản vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), lãi trái phiếu... khoảng 1.933 tỷ đồng.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam được thành lập năm 2004 với vốn điều lệ ban đầu 1.000 tỷ đồng, bao gồm 50 tỷ vốn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ bán quyền thu phí hai trạm Cầu Giẽ và cầu Phù Đổng trong 10 năm. Nhiệm vụ đầu tiên Bộ Giao thông Vận tải giao cho doanh nghiệp này là đầu tư dự án cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 50km bằng vốn điều lệ và vốn phát hành trái phiếu công trình do Chính phủ bảo lãnh.
Hồi năm 2014, VEC đã lên phương án cổ phần hóa, song song với việc thành lập các Công ty cổ phần Dự án để chuyển nhượng năm tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư 125.572 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp là 71.555 tỷ). Tại thời điểm đó, doanh nghiệp này cho rằng nếu không tái cơ cấu thì đây là áp lực lớn cho việc huy động vốn làm các dự án tiếp theo.
Phương Đông