Quảng cáo trực tuyến lấn át truyền hình nhờ AI, Blockchain

Các nhân vật màu xanh dương hay vàng tươi nhảy nhót và múa hát của Thế Giới Di Động không chỉ thân thuộc với khán giả truyền hình mà các nội dung trào phúng xây dựng từ những nhân vật này cũng đã nổi tiếng trên Internet.

Đó cũng là chiến lược tiếp thị của doanh nghiệp bán lẻ này. Bà Lê Thảo Trang - CMO Thế Giới Di Động bật mí, công ty còn đầu tư cả một studio để chuyên sản xuất các video hướng dẫn nấu ăn, phát sóng trên một kênh dạy nấu ăn được lập ra trên mạng xã hội. Đây là chiêu để tiếp thị cho ngành hàng gia dụng, nhà bếp.

Hay như hãng điện thoại Việt Nam Mobiistar vốn khá "im hơi lặng tiếng" trên truyền hình nhưng vẫn ổn định trong nhóm 5 dẫn đầu thị phần điện thoại ở Việt Nam và có lượng người hâm mộ nhất định qua mạng xã hội.

"Chúng tôi tập trung nhiều hoạt động quảng bá trên Facebook. Chúng tôi lập fanpage và đạt lượng theo dõi khá lớn. Chúng tôi dùng nó để tương tác với khác hàng và ghi nhận phản hồi của họ", ông Ngô Nguyên Kha - CEO Mobiistar nói tại Hội nghị CEO-CMO Việt Nam do MMA Việt Nam tổ chức gần đây.

Mô hình bán hàng đa kênh (omni-channel) không còn xa lạ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị vừa và nhỏ. Cũng tại sự kiện này, bà Lê Diệp Kiều Trang - Giám đốc Quốc gia Facebook Việt Nam nói rằng, có đến 90% người tiêu dùng mua sắm tại các cửa hàng thực tế, nhưng 60% trong số đó sẽ quyết định mua hàng khi đã nhìn thấy sản phẩm ở trên mạng.

Chính vì vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ như phân tích dữ liệu, AI, nhằm nắm bắt những hành vi, sở thích, mối quan tâm, nhu cầu... khác nhau của người tiêu dùng để tiếp cận quảng cáo đúng đối tượng, đúng thời điểm và hoàn cảnh. “Chúng ta cần tạo nhu cầu mua sắm, chứ không đơn thuần chỉ giải quyết nhu cầu ấy của người tiêu dùng”, bà Trang nói.

So với các loại hình quảng cáo truyền thống với chi phí đắt đỏ như quảng cáo trên truyền hình hay ngoài trời, quảng cáo trực tuyến đang dần sở hữu nhiều ưu điểm từ chi phí, hình thức đa dạng, tính sáng tạo và tận dụng triệt để các công nghệ mới như AI, Blockchain.

Ngoài ra, các hình thức quảng cáo, tiếp thị trực tuyến ngày này đang dần xóa nhòa ranh giới với việc bán hàng, vì trải nghiệm từ giới thiệu sản phẩm đến bán sản phẩm liền mạch nhờ thương mại điện tử. Các đo lường về hiệu quả chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến cũng dễ thực hiện hơn. 

Ông David Lang - Cố vấn Blockchain Fortune 100 thậm chí còn nói rằng, việc ứng dụng Blockchain sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong việc tiếp thị. Blockchain mang đến sự minh bạch, đáng tin cậy và tạo nên nhiều giá trị tích cực cho ngành marketing. Theo đó, người dùng có thể quản lý thông tin cá nhân tốt hơn. Các nhãn hàng có thể tiếp cận đúng đối tượng người tiêu dùng hơn. Các báo cáo đo lường hiệu quả marketing sẽ chính xác hơn.

Nghiên cứu "Thu hút – Chuyển đổi – Tái tương tác" do Criteo mới công bố gần đây cho biết, trong khi truyền hình và in ấn là 2 kênh hàng đầu ở Việt Nam trong chi tiêu quảng cáo, thì quảng cáo trực tuyến có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm 27% (CAGR) từ năm 2014 đến năm 2017.

Với hơn 34% người dùng có từ hai thiết bị có thể kết nổi trở lên vào năm 2022, Criteo tự tin dự đoán 89% tổng ngân sách tiếp thị sẽ được đầu tư vào mảng trực tuyến trong năm 2022.

Năm 2017, các nhà tiếp thị tại Việt Nam đã sẵn sàng cho xu hướng này, khi nhìn thấy những vấn đề trọng tâm trong chiến lược quảng cáo. Quảng cáo hiển thị hình ảnh trả tiền chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngân sách tiếp thị của họ ở mức 16%. Trong đó, các giải pháp nhắm vào mục tiêu tái tiếp cận khách hàng với quảng cáo phù hợp chiếm 51% chi tiêu quảng cáo hiển thị có trả tiền.

Ngoài ra, tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) cũng là một mảng chi tiêu chính, chiếm 13% ngân sách tiếp thị. Kế đến là quảng cáo tìm kiếm (trả cho mỗi nhấp chuột), tiếp thị truyền thông xã hội. Tiếp thị truyền thống như in, gửi thư trực tiếp, quảng cáo truyền hình, radio chiếm 11% ngân sách tiếp thị trong năm 2017.

“Tham gia vào thị trường trực tuyến đã ảnh hưởng rất lớn đến cách chúng ta mua sắm và các hiệu ứng xung quanh là điều hiển nhiên trong bối cảnh tiếp thị ngày nay. Mua sắm đa kênh tăng lên là thời điểm thích hợp để các nhà tiếp thị tạo chiến dịch thu hút, chuyển đổi và tương tác, không chỉ thu hút khách hàng mới mà cả tệp khách hạng hiện có”, ông Alban Villani - Tổng giám đốc khu vực Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan của Criteo nhận định.

Sự lên ngôi của quảng cáo trực tuyến dường như là hiển nhiên bởi xu hướng của công nghệ và sự lên ngôi của Internet so với truyền hình tại Việt Nam. Khảo sát gần đây tại 4 thành phố lớn gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng và Cần Thơ của Kantar Media Việt Nam cho biết, 84% người dân sử dụng Internet mỗi ngày và thời gian để lên mạng đã cao hơn xem TV. Ví dụ Hà Nội, trung bình mọi người dành 3 giờ 49 phút để online trong khi chỉ dành 2 giờ 25 phút để xem TV.

Tuy nhiên, quảng cáo truyền hình tại Việt Nam vẫn còn những giá trị khá lớn về khả năng tiếp cận và độ uy tín. Đây là loại hình quảng cáo được xem là "đỉnh" hay phải cân nhắc nếu nhãn hàng muốn tổ chức một chiến dịch quảng cáo quy mô lớn, nhằm "lột xác" hay "gây tiếng vang".

"Từ khi đến Việt Nam thì chúng tôi chỉ làm quảng cáo online trên Facebook, Google hay Instagram. Đến tháng 4 năm ngoái thì chúng tôi quyết định quảng cáo offline và thuê Sơn Tùng để quay TVC phát trên truyền hình", ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee kể lại sự chuyển hướng từ chiến lược quảng cáo truyền miệng và online sang quảng cáo offline và truyền hình.

Viễn Thông

Let's block ads! (Why?)