Mọi người đều nghĩ rằng những chiếc cầu phải bắc qua sông, suối... Nhưng điều này không đúng với Loopgraafbrug, xây tại pháo đài Fort de Roovere, Hà Lan vào năm 2011. Cây cầu còn được gọi là Moses để liên tưởng tới phép lạ rẽ nước biển Đỏ của nhà tiên tri Moses dẫn dân Do Thái thoát nạn được đề cập trong kinh Cựu Ước.
Cây cầu dưới nước ở Hà Lan. Ảnh: CNtraveler. |
Vào thế kỷ 16, người Hà Lan nhận ra rằng mạng lưới hào nước rộng lớn của họ đã mang đến một lợi thế vượt trội so với kẻ thù. Bằng cách làm ngập các vùng trũng thấp, họ sẽ tạo một rào cản kéo dài từ Amsterdam đến đồng bằng sông Rhine, biến toàn bộ quốc gia thành một hòn đảo.
"Đường ranh giới nước Hà Lan" đã ngăn chặn quân đội Pháp xâm lược vào năm 1672. Nước ở các vùng đồng bằng ngập lụt quá sâu để bộ binh vượt qua, nhưng lại quá nông cho thuyền đi. Hố gai được ẩn ngay dưới các con hào. Một thế kỷ sau đó, vào mùa đông năm 1794, khi nước đóng băng, người Pháp mới qua được ranh giới này.
Công trình làm bằng gỗ có độ bền vững cao. Ảnh: RO&ADarchitect. |
Vào năm 2010, người Hà Lan đã cải tạo pháo đài Fort de Roovere với những hào nước bao quanh trước đây. Các kiến trúc sư đưa ra ý tưởng tạo lối dẫn kết nối đôi bờ. Tuy nhiên, một cây cầu theo thiết kế thông thường là không phù hợp vì phá vỡ cảnh quan và ý nghĩa phòng thủ của các con hào.
Thay vào đó, theo CNtraveler, đội thiết kế đề xuất một cây cầu vô hình chìm dưới nước. Công trình làm bằng gỗ được xử lý chống thấm, đảm bảo không bị hư hỏng trong vòng 50 năm. Nhìn từ xa, bạn hầu như không nhìn thấy người đi dưới cây cầu đặc biệt này.
Minh Phương