Phép thử một năm của thị trường chứng khoán phái sinh

Ngày 10/8/2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và những lãnh đạo trong ngành tài chính có mặt tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội để bấm nút đưa thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động. Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ năm có thị trường phái sinh trong khu vực ASEAN và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường tài chính này.

Sau một năm đi vào hoạt động, một trong những thành công của chứng khoán phái sinh là sự đón nhận của nhà đầu tư với một thị trường mới, bên cạnh thị trường chứng khoán cơ sở. Khối lượng giao dịch tăng liên tục trong 12 tháng qua với quy mô số lượng tài khoản lên gần 40.000, gấp 20 lần so với ngày đầu hoạt động. Khối lượng giao dịch tháng sau cao hơn tháng trước. Tốc độ tăng thanh khoản mỗi tháng đạt bình quân 35% trong một năm hoạt động. 

Thị trường phái sinh cũng phần nào thể hiện được vai trò phòng ngừa rủi ro khi kênh đầu tư này giúp bù đắp thua lỗ từ thị trường cơ sở. So với thị trường chứng khoán cơ sở, hàng hóa phái sinh không phụ thuộc vào tổ chức phát hành, mà phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư với sự vận động của thị trường trong tương lai, cụ thể là chỉ số VN30-Index.

Với cơ chế mở vị thế mua (long) và bán (short) tùy theo kỳ vọng, nhà đầu tư sẽ có cả lợi nhuận dù chỉ số sụt giảm, điều mà thị trường cơ sở chưa làm được. Chưa kể thị trường này còn được hỗ trợ bởi hai yếu tố khác là tỷ lệ đòn bẩy rất cao và cơ chế hạch toán lãi lỗ ngay trong phiên .

Tuy nhiên, chính cơ chế được ví như "bán khống" này lại trở thành một điểm còn tồn tại của thị trường. Các thành viên đến thị trường với mục đích đầu cơ hơn là phòng ngừa rủi ro.

Nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh mà không có tài sản ở thị trường cơ sở. Hay nói cách khác, việc tham gia kênh đầu tư này đơn thuần chỉ để đầu cơ, thay vì phòng ngừa rủi ro như mục đích ban đầu khi vận hành thị trường của các nhà quản lý.

Kênh đầu tư này cũng là tâm điểm tranh cãi khi VN-Index sụt giảm mạnh gần đây, khi nhiều ý kiến cho rằng thị trường phái sinh là một phần lý do khiến thị trường cơ cở sụt giảm cả về điểm số và thanh khoản. 

Thị trường phái sinh hưởng lợi từ sự biến động của thị trường cơ sở, chỉ số càng bất ổn, biến động mạnh với biên độ càng cao thì mức lợi nhuận của nhà đầu tư càng lớn. Chính vì vậy mà giai đoạn thị trường cơ sở giảm mạnh, thanh khoản thị trường phái sinh lại tăng đột biến.

Ba đợt giảm mạnh nhất của thị trường cơ sở từ đầu năm là vào tháng 2, tháng 4 và cuối tháng 5. Đây cũng là những giai đoạn chứng khoán phái sinh lên ngôi với thanh khoản tăng đột biến.

Giao dịch của nhà đầu tư tại một công ty chứng khoán.

Nhà đầu tư theo dõi bảng chứng khoán trên thị trường cơ sở.

Trong đợt giảm tháng 4, giá trị giao dịch của thị trường phái sinh đã tăng gấp 3 lần từ mức bình quân hơn 2.000 tỷ hồi đầu tháng, đạt đỉnh với giá trị 7.100 tỷ trong phiên ngày 3/5. Đến cuối tháng 5, thanh khoản của thị trường phái sinh thậm chí lên hơn 8.400 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần thị trường cơ sở, với khối lượng hợp đồng giao dịch tăng vọt.

Tuy nhiên, yếu tố đầu cơ thể hiện khá rõ khi các hợp đồng đa phần được đóng trạng thái ngay trong phiên. Khối lượng vị thế mở toàn thị trường tăng trưởng suốt từ khi đi vào hoạt động và đạt 16.858 hợp đồng tại cuối tháng, gấp 2,1 lần so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, con số này chỉ tương đương khoảng 10% thanh khoản thị trường.

Có ý kiến cho rằng việc đầu cơ trên thị trường này là quan điểm riêng của từng nhà đầu tư, mỗi người đều tự chịu trách nhiệm với đồng vốn của mình. Tuy nhiên, việc đầu cơ, với sự hỗ trợ từ cơ chế giao dịch thông thoáng, vô tình đã bóp méo vai trò của thị trường này khi vận hành. Và điều này cũng ảnh hưởng đến chính những nhà đầu tư muốn sử dụng phái sinh như một kênh để phòng ngừa rủi ro.

Có một thực tế là thị trường này chủ yếu là sân chơi của nhà đầu tư nhỏ lẻ. Những nhà đầu tư chuyên nghiệp có sự hiện diện không đáng kể trên thị trường này, dù ở thị trường cơ sở họ được ví như những "cá mập" với danh mục cổ phiếu có giá trị cao và cần phải phòng ngừa rủi ro.

Theo số liệu từ HNX, hơn 90% nhà đầu tư trên thị trường cơ sở là cá nhân, trong khi con số này trên thị trường phái sinh tới trên 95%. Giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong nước (bao gồm cả hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán) chưa đến 1,5%. Tổng khối lượng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong năm qua cũng chỉ đạt 23.305 hợp đồng, tương ứng 0,12% tổng thanh khoản. 

Đòi hỏi thị trường một năm tuổi phải vận hành chuyên nghiệp là điều khó thực hiện. Tuy nhiên, những điểm tồn tại cũng là cơ hội để đưa ra điều chỉnh cho phù hợp. Cũng như như lời Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói khi mở cửa thị trường phái sinh cách đây một năm - "Sự ra đời của thị trường phái sinh là cần thiết, tất yếu nhằm hoàn thiện cấu trúc của thị trường tài chính và nằm trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán. Là thị trường với các sản phẩm phức tạp, nhưng nó sẽ giúp các nhà đầu tư phân tán và phòng ngừa rủi ro, đồng thời giúp đa dạng hóa sản phẩm đầu tư”.

Minh Sơn

Những thực trạng và giải pháp để tái cấu trúc thị trường vốn - tài chính sẽ được thảo luận trong chuyên đề thứ hai thuộc Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (Vietnam Economic Forum – ViEF) khai mạc sáng 21/8 tại Hà Nội.

Diễn đàn là nơi các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp cùng nhau phân tích toàn cảnh thị trường vốn và tài chính tại Việt Nam, đồng thời đưa ra những phương án, đề xuất giải pháp xây dựng thị trường vốn cho đầu tư dài hạn. Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của chính phủ tổ chức.

Theo dõi chương trình và đăng ký tham dự tại: https://vief.vnexpress.net/

Let's block ads! (Why?)