Tô phở 'xe lửa' giá 70.000 đồng ở Sài Gòn

Cùng với phở Hòa, phở Hùng hay phở Dậu, cái tên phở Tàu Bay cũng xuất hiện ở Sài Gòn từ trước năm 1975. Quán do ông Phạm Đình Nhân, người Bắc di cư vào Nam, mở. 

Hiện tại, khách muốn thưởng thức món ăn phải đến đường Lý Thái Tổ (quận 10). Nhưng khi đến nơi, nhiều người thường bối rối vì không biết đâu là quán "xịn" bởi có hai cửa hàng gần nhau cùng đặt tên "Phở Tàu Bay". Tôi tạm đặt tên là quán "áo vàng" và quán "áo đỏ" theo màu áo của nhân viên phục vụ.

Quán áo đỏ (bên trái) ghi chữ "chính gốc", quán áo vàng (bên phải) treo biển "không chi nhánh". Ảnh: Di Vỹ.

Giải thích về sự xuất hiện của 2 quán, chị Hạnh - cháu nội của ông Phạm Đình Nhân, chủ hiện tại của quán "áo đỏ" cho biết: "Cả 2 quán đều của người trong gia đình". Không nhận xét hương vị bên nào ngon hơn, chị Hạnh nói tiếp: "Khẩu vị và sự đánh giá là của mỗi người. Phở Tàu Bay bây giờ đã khác ngày trước nhiều lắm".

Để thỏa sự tò mò của mình, tôi đã thử ăn phở của cả hai quán. Thoạt nhìn, cách bày trí và phục vụ món ăn khá giống nhau, đều có mùi thơm nức mũi ngay từ bước chân đầu tiên vào quán.

Nếu bánh phở của quán "áo vàng" dày và to hơn, nước lèo thơm mùi gừng nướng trên lửa, thì phở của quán "áo đỏ" mang phong cách miền Nam, nước lèo béo, ngọt thanh, thơm mùi xương ống, quế và hồi thảo quả.

Tôi nhận thấy khách đến quán "áo vàng" ít cho thêm rau thơm hay ngò tây vào tô, dù chủ quán đã đặt sẵn trên bàn. Ngược lại, khách bên quán "áo đỏ" thích cho thêm miếng chanh, xịt đủ loại tương đen và đỏ, cho thêm thật nhiều rau, giá trụng.

Tô phở Tàu Bay của quán "áo đỏ" (trái) và quán "áo vàng". Ảnh: Di Vỹ.

"Ngày xưa đi ăn phở Tàu Bay phải mang theo ít rau để ăn kèm vì quán không phục vụ như bây giờ", bà Hai (ngoài 60 tuổi) kể. Còn anh Thành Trung, ngụ quận Tân Bình, thì cho rằng phở chính gốc không ăn kèm rau. "Tôi ăn ở đây (quán áo vàng) đã nhiều lần nhưng chưa lần nào tôi cho rau thơm hay các gia vị vào. Vậy mới thưởng thức được cái vị trọn vẹn của món ăn", anh Trung chia sẻ khẩu vị của mình.

Tên món ăn của hai quán cũng khiến nhiều người thắc mắc: Tô "xe lửa". Đầu bếp quán "áo đỏ" cho biết đây là cách đặt tên món theo tên quán. "Vì tên là tàu bay nên phải có xe lửa", đầu bếp cười nói.

Tại hai quán, tô phở "xe lửa" đều có giá 70.000 đồng, đầy ắp bánh và thịt bên trong. Thịt bò được chế biến theo 5 kiểu: tái, chín, nạm, gầu, gân. Khách có thể gọi loại mà mình yêu thích.

Khách đến hai địa chỉ này hầu hết là khách quen, đủ mọi thành phần. Nhiều người lớn tuổi thì tìm đến để nếm lại hương vị đã gắn liền với những ký ức một thời. Vài bạn trẻ cũng hay chọn nơi đây để bắt đầu ngày mới, như một cách để gìn giữ và tìm lại những gì họ chỉ được nghe qua lời kể.

Ba quán lâu đời cho người mê ăn phở ở Sài Gòn

Ngoài phở Tàu Bay, Sài Gòn còn nhiều quán phở của thâm niên lâu năm, là địa chỉ được nhiều thực khách yêu thích. Video: Di Vỹ.

Let's block ads! (Why?)